Hành trình khám phá 'vương quốc hang động'
Việc đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phát hiện 5 hang động “chưa từng có dấu chân người” tại xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) một lần nữa cho thấy đây là địa phương xứng với danh hiệu “vương quốc hang động” không chỉ của Việt Nam.
Thông tin cho biết, tất cả các hang được phát hiện đều thuộc dạng động ướt, một số hang có nhánh khô với tổng chiều dài hơn 3,34km. Trong đó, hang Hung Trù 1 dài hơn 1,9km, sâu 11m; hang Hung Trù 2 dài hơn 0,5km, sâu 25,8m; hang Hung Trù 3 dài hơn 0,15km, sâu 11,4m; hang Hung Kà Vờng 1 dài gần 0,24km, sâu 2,8m; hang Hung Kà Vờng 2 dài hơn 0,5km, sâu 5m.
Các chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh còn phát hiện một hang động có chiều dài suối ngầm tương đối lớn nhưng không thể khảo sát hết do chưa chuẩn bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ trong khi địa hình hết sức hiểm trở.
Quảng Bình là địa phương tập trung nhiều hang động nhất cả nước, khi sở hữu hệ thống hơn 400 hang động lớn nhỏ. Trong đó có hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới và Hang Én là hang động lớn thứ ba thế giới.
Vào tháng 4 năm nay, nhóm các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố đã phát hiện thêm 22 hang động mới cũng tại Quảng Bình; thuộc xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Hóa Phúc, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa). Tổng chiều dài các hang động này là 11,7km. Đánh giá của đoàn thám hiểm, các hang động này có nhiều điều thú vị và khác những hang động trước đây đã được khám phá. Nếu Sơn Đoòng, hang Én và nhiều hang động khác chỉ có một lối chính để vào, thì hệ thống hang động mới này lại có rất nhiều hướng ra vào. Một số hang còn thông nhau, tạo ra nhiều lối đi ngang làm cho những chuyến đi vòng quanh bên trong.
Ông Howard Limbert - đội trưởng, cho biết các hang động vừa phát hiện có vẻ đẹp rất khác biệt so với những hang động đã tìm thấy trước đó ở Quảng Bình, mặc dù nhỏ hơn.
Như vậy, kể từ năm 1990, nhiều đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã đến Việt Nam để nghiên cứu và thám hiểm, thu được nhiều kết quả tích cực.
Đợt thám hiểm đầu tiên vào năm 1990 của đoàn chính là đến Quảng Bình. Và lập tức nhận ra đây là vùng núi đá vôi vô cùng kỳ vĩ và bí ẩn, hoang sơ.
Một trong những nhà thám hiểm có công lớn thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh là ông Howard Limbert - người có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám phá hang động. Ông đã thám hiểm hang động tại nhiều nơi trên thế giới như châu Âu, Nam Mỹ, Mexico và Australia. Tại Việt Nam, ông và nhóm của mình đã khám phá và lập bản đồ cho hơn 300 hang động lớn nhỏ ở Phong Nha, trong đó có Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.
Được biết, ngay từ năm 1550, Dương Văn An là người đầu tiên viết về động Phong Nha. Động Phong Nha đã được chạm lên một trong Cửu Đỉnh Đại nội Huế. Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là "Diệu ứng chi thần". Cuối thế kỷ 19, Léopold Michel Cadière - một linh mục người Pháp đã gọi Phong Nha là "Đông Dương đệ nhất động".
Tháng 7/1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát Phong Nha đã đánh giá rằng động Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng trên thế giới như động Padirac (Pháp), động sông Drach (Tây Ban Nha) về vẻ đẹp kỳ vĩ.
Cho tới năm 1937, Phòng Du lịch của Khâm sứ Pháp (ở Huế) đã ấn hành một cuốn tập gấp giới thiệu du lịch Quảng Bình, trong đó có giới thiệu về động Phong Nha. Địa điểm du lịch này đã được xếp hạng nhì ở Đông Dương thuộc Pháp.
Trước năm 1990, đã có nhiều cuộc thám hiểm hang động của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài nhưng chưa hé lộ nhiều về hệ thống hang động Phong Nha.
Năm 1990, lần đầu tiên Khoa Địa chất địa hình (Đại học Tổng hợp Hà Nội) cùng với Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phối hợp nghiên cứu hang động tại khu vực Phong Nha một cách sâu rộng, do ông Howard Limbert chỉ huy. Tiếp đó, năm 1992, một nhóm gồm 12 nhà khoa học Anh và 6 chuyên gia của Đại học Tổng hợp Hà Nội tiến hành cuộc thám hiểm thứ hai và đã hoàn tất thám hiểm 7.729m thuộc động Phong Nha và 13.690 m thuộc động Vòm và các hang động lân cận. Cuộc thám hiểm thứ 3 vào năm 1994 bao gồm 11 nhà khoa học Anh và 5 nhà khoa học Việt Nam cũng thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Sau đó còn nhiều cuộc thám hiểm khác. Tới nay, kết quả đã khảo sát 44,5 km hang động nhưng du khách bình thường chỉ có thể vào sâu được 1.500m (tại động Phong Nha).