Tìm cách phát triển nông nghiệp thông minh
Nhiều năm nay, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đã được ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan tích cực triển khai, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình hiệu quả lại khá khó khăn.
Tại hội Hội nghị “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức” diễn ra ngày 19/7, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu hướng tất yếu. Nhiều người đã lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.
Chia sẻ về thành công từ mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản, cho biết, từ một loại cây mọc dại ở nhiều nơi, cây rau má đã được công ty phát triển, xây dựng thành vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha. Theo ông Tân, trong quá trình khởi nghiệp nếu muốn thành công phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân, HTX để cùng phát triển. Nhờ có sự liên kết, nhiều người lao động có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Theo ông Tân, để liên kết bền vững, doanh nghiệp (DN) cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công sức và đất đai để trồng rau má. Hiện nay, công ty đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân, hàng chục HTX để trồng và nhập nguyên liệu rau má. Nhà máy chế biến cũng đã đi vào hoạt động ổn định 2 năm nay. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ rau má đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc…
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường song ông Tân chia sẻ, quá trình khởi nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn như: tích tụ ruộng đất, cơ chế thủ tục, đặc biệt là thiếu vốn để sản xuất.
Để có thể nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp thông minh ông Tân cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp về lãi suất, nguồn vốn để giảm giá thành.
Tại hội nghị, nhiều DN cũng bày tỏ gặp khó khăn trong vay vốn, chưa vay được vốn công nghệ cao mà phải vay thương mại, ngắn hạn nên sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Các nước đã áp dụng hỗ trợ vốn vay lãi suất 0%, hỗ trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong khi nhiều HTX, trang trại công nghệ cao trong nước phải vay vốn với lãi suất lên tới 9,5%; vay thương mại lên tới 12-13% thì sản phẩm của Việt Nam khó có thể cạnh tranh.