Người trẻ với tình yêu văn hóa truyền thống
Bảo tồn và lan toả văn hoá truyền thống không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn có vai trò tiên quyết trong quá trình hội nhập quốc tế. Đáng mừng, hiện nay, người trẻ dần có ý thức trong việc cùng chung tay gìn giữ nâng niu những tinh hoa mà nhiều thế hệ cha ông đã trao truyền cho con cháu bằng những đóng góp lặng thầm đầy nhiệt huyết trên các hội nhóm, diễn đàn.
Lang thang trên các hội nhóm, diễn đàn được người yêu di sản đánh giá cao, dễ dàng nhận thấy, số lượng thành viên tham gia đều lên tới vài chục nghìn, hoạt động tương tác diễn ra khá sôi nổi và chất lượng. Trong số đó có không ít các bạn trẻ, từng ngày, từng giờ với nhiều hành động thiết thực góp phần lan tỏa tình yêu di sản trong cộng đồng.
Là một người trẻ thuộc thế hệ 9x, nghệ nhân Nguyễn Nam Chi (sinh năm 1996) khiến nhiều người tò mò khi tích cực chia sẻ hình ảnh về dòng tranh dân gian lên trang cá nhân và trên các hội nhóm.
Nam Chi quê ở Hải Dương, lên đại học anh mới tiếp cận tranh dân gian. Học về tranh Hàng Trống, Nam Chi nói, anh bị mê hoặc bởi cái độc đáo của dòng tranh và cả những yếu tố như “trong tiềm thức”.
26 tuổi, tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Nam Chi vốn là tác giả của hàng trăm mẫu tranh Hàng Trống cũ và mới. Nghệ nhân trẻ có tình yêu mãnh liệt với dòng tranh dân gian bởi dòng tranh này gắn với tên tuổi của nhiều nghệ nhân của những làng nghề, phường nghề.
Vượt qua những khó khăn, qua 7 năm, Nam Chi vẫn vẹn nguyên tình yêu với dòng tranh của dân tộc “Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về tranh dân gian”, Nam Chi nói.
Giờ đây, bên cạnh dòng tranh Hàng Trống, Nam Chi còn đang nghiên cứu 3 mảng tranh dân gian thế kỉ 18: giấy sắc phong- một loại giấy đặc biệt để triều đình dùng viết sắc phong công, phong thần cho bách quan; bách thần và tranh Kim Hoàng.
Qua việc làm của mình, chàng trai 9x mong muốn lan toả đến giới trẻ, giới thiệu đến họ về một loại hình nghệ thuật đặc sắc của cha ông không chỉ ở tạo hình, màu sắc mà còn ở nội dung trong từng bức tranh.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Lộc cũng thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống bằng cách dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Đức Lộc thừa nhận, việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa du nhập vào Việt Nam giúp giới trẻ có cơ hội bước ra và hội nhập với thế giới nhanh hơn. Các công cụ như Internet, mạng xã hội... cũng giúp người trẻ đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới tốt hơn, rõ nét hơn.
Song song với các hoạt động giới thiệu, đưa các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống quay trở lại đến gần công chúng, việc giữ gìn truyền thống văn hóa cũng được thể hiện qua các xu hướng ăn mặc, vui chơi của giới trẻ.
Tại Hà Nội, không ít bạn trẻ say sưa với việc kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại trong các sản phẩm sáng tạo. Vốn là người yêu cái đẹp, chị Vũ Thùy Dương (39 tuổi, Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội) nhiều năm qua vẫn nghĩ cách "thổi hồn" dòng tranh dân gian lên các mặt đồng hồ và biến tấu chúng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Để những bức tranh dân gian nhìn có hồn chỉ với kích thước vỏn vẹn 30mm trên mặt đồng hồ, người nghệ nhân trẻ phải sử dụng kính hiển vi để tỉ mỉ vẽ và phối màu.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nhiều lo ngại về yếu tố tốt đẹp của văn hóa truyền thống đã và sẽ mai một. Nhưng đáng mừng là vẫn còn rất nhiều những người trẻ tâm huyết với việc khôi phục và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công tạo dựng, trao truyền. Chính những nỗ lực trên đã góp phần bảo tồn tinh hoa, nét đẹp của dân tộc.
Như GS. Hoàng Vinh từng viết trong cuốn sách “Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay”, một trong những tiêu chí thuộc về tổ hợp các tiêu chí để nhận biết trình độ văn hóa của một xã hội là: “Thái độ trân trọng của xã hội đối với việc bảo quản và phát huy những giá trị tinh thần đã tích lũy được, biến những giá trị chung đó thành vốn văn hóa cá nhân của mỗi con người.
Bản sắc dân tộc của văn hóa trở thành cái màng lọc cần thiết cho cả dân tộc (quốc gia) và cho mỗi cá nhân trong bối cảnh giao lưu đại chúng của xã hội hiện nay”.