Loại bỏ thói xấu từ du khách
Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, song song với những lợi ích kinh tế mà điều này mang lại, đã nhiều lần dư luận phải lên tiếng vì những hình ảnh chưa được thuận mắt, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam mà các du khách vô tư thể hiện nơi đông người.
Câu chuyện ăn mặc
Trong những ngày vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước hình ảnh nữ du khách khi đi du lịch tại Hội An (Quảng Nam) đã diện bikini, đeo túi xách vô tư đi dạo trong phố cổ. Chứng kiến hình ảnh này, nhiều người bày tỏ sự phản cảm trong cách ăn mặc của nữ du khách khi vào khu phố cổ - nơi có nhiều công trình di tích hàng trăm tuổi. Chính cảnh tượng này đã khiến cho phần lớn du khách cùng người dân vô cùng bức xúc vì Hội An không chỉ là điểm đến nổi tiếng thu hút khách quốc tế mà còn là điểm đến của những di tích lịch sử. Theo người dân, cách ăn mặc của nữ du khách được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, hình ảnh du khách ăn mặc phản cảm xuất hiện tại đô thị cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trước đó, vào tháng 4/2022, ở Hội An cũng từng có trường hợp một nữ du khách diện áo dài Việt Nam đầy phản cảm khiến không ít cư dân mạng bức xúc. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu cô gái này ăn mặc hợp với thuần phong mỹ tục. Nhiều người phải ngượng đỏ mặt khi nhìn thấy nữ du khách thoải mái mặc áo dài nhưng... không mặc quần, cô nàng khoe toàn bộ vòng ba trước ống kính khi thả hoa đăng trên dòng sông Hoài nên thơ.
Việc mang trên mình trang phục truyền thống của người Việt nhưng lại biến nó trở thành hình ảnh dung tục, phản cảm, quyến rũ quá mức của nữ du khách đã nhận về hàng loạt chỉ trích từ người Việt. Đặc biệt, với những người dân Hội An, điều này càng khiến họ bức xúc đến đã mức yêu cầu cơ quan chức năng địa phương vào cuộc làm rõ.
Ai cũng biết những địa điểm tâm linh là nơi linh thiêng, du khách tới đây phải mặc sao cho lịch sự, kín đáo. Dù đây là quy tắc bất thành văn, phép lịch sự tối thiểu, thậm chí có nơi có biển thông báo nhưng vẫn có du khách vô tư khoác lên mình những trang phục không phù hợp, hở hang lộ liễu, cắt xẻ táo bạo. Dù đã bị dư luận nhiều lần chỉ trích nhưng tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại.
Trao đổi với PV về tình trạng này, ông Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khóa XV) cho hay: “Việc du khách ăn mặc phản cảm ở các di tích lịch sử văn hóa hay tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, hay cụ thể như trường hợp mặc bikini ở phố cổ Hội An, là hiện tượng rất đáng phê phán”. Ông cho rằng, trang phục không phù hợp ở một không gian lịch sử văn hóa, với truyền thống xem trọng việc ăn mặc kín đáo ở các di tích tín ngưỡng, tôn giáo, đã thể hiện sự không hiểu biết và thiếu tôn trọng đối với văn hóa địa phương.
Không chỉ vậy, các địa điểm tham quan tại Hà Nội cũng thu hút lượng lớn du khách ghé thăm. Nhưng chỉ có thiểu số du khách mặc trang phục phản cảm, đa số đều có cách ăn mặc phù hợp với văn hóa trong nước, hay còn được gọi là “nhập gia tùy tục”.
“Chúng ta có thể hiểu việc ăn mặc hay sử dụng trang phục phụ thuộc rất nhiều vào phông kiến thức và văn hóa của từng cá nhân cũng như từng dân tộc. Với một cá nhân hay dân tộc này, việc ăn mặc khoe cơ thể có thể được xem là bình thường, thể hiện sự tự do cá nhân, nhưng với cá nhân và dân tộc khác, đó lại là điều cấm kỵ, không phù hợp với những nguyên tắc đạo đức, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của cộng đồng. Bên cạnh đó, việc đánh giá cách ăn mặc còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như ai mặc, mặc gì, mặc ở đâu, mặc để làm gì... để xác định có phù hợp hay không phù hợp”, ông Sơn lí giải.
Tôn trọng văn hóa địa phương
Những hình ảnh ăn mặc phản cảm của nữ du khách diện bikini đi dạo quanh phố cổ Hội An lại một lần nữa dấy lên là sóng phẫn nộ từ dư luận. Bởi lẽ Hội An là mảnh đất của lịch sử, một “di sản sống” với nhiều di tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng với những đền, miếu, hội quán, chùa chiền hay kể cả những không gian nghi lễ của các nhà cổ. Chính vì thế, việc du khách mặc bikini, tuy mới chỉ ở khu phố cổ chứ chưa đến mức là đến các địa điểm tâm linh, là không phù hợp với tinh thần di sản của Hội An – vốn hướng đến hình ảnh đẹp, truyền thống, bền vững, tôn trọng giá trị đạo đức truyền thống.
Để có thể khắc phục được những thực trạng về trang phục không phù hợp của du khách, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng cần phải đưa ra một số biện pháp:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Cung cấp thông tin rõ ràng và chi tiết cho khách du lịch về quy định ăn mặc và nét văn hóa truyền thống của Hội An và Việt Nam thông qua biển báo, hướng dẫn viên du lịch, tài liệu giới thiệu và các chiến dịch truyền thông.
Thứ hai, tạo nên một môi trường du lịch tôn trọng văn hóa địa phương, khách du lịch sẽ được khuyến khích hiểu và tôn trọng quy tắc ăn mặc và văn hóa của nơi mình đang ghé thăm.
Thứ ba, tăng cường quản lý và kiểm tra tại các khu vực du lịch nhạy cảm để đảm bảo việc ăn mặc phù hợp và tuân thủ quy định.
Thứ tư, có thể cân nhắc tạo ra các khu vực riêng biệt trong các địa điểm du lịch để khách du lịch có thể thoải mái mặc trang phục phù hợp với ý thích cá nhân, trong khi vẫn đảm bảo sự tôn trọng và duy trì nét đẹp của nơi đó.
Thứ năm, Hội An và các cơ quan du lịch và các doanh nghiệp liên quan có thể hợp tác để đưa ra các quy định và hướng dẫn tự nguyện cho khách du lịch về quy tắc ăn mặc và tôn trọng văn hóa địa phương.