Hà Nội: Khu nhà ở sinh viên bỏ hoang lâu năm được cho thuê làm nhà kho, văn phòng
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, Hà Nội hiện mới chỉ có 2 toà nhà được đưa vào sử dụng, còn lại 4 toà nhà vẫn bỏ hoang, được cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê làm nhà kho, văn phòng, bãi đậu xe.
Khu nhà ở sinh viên xây dở, bỏ hoang nhiều năm
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp triển khai xây dựng năm 2009, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng. Mục đích hỗ trợ chỗ ở cho 22.000 sinh viên đang học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.
Dự án gồm 6 toà nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6 nhưng đến nay mới chỉ 2 toà A5, A6 được đưa vào sử dụng, có sinh viên đến ở nhưng số lượng rất ít, 4 toà còn lại vẫn đang bỏ hoang. Trong 4 toà nhà bỏ hoang, toà A1 đã hoàn thiện, còn các toà khác mới xây xong phần thô, được rào tôn xung quanh, nhiều hạng mục công trình vẫn đang bỏ dở, xuống cấp, cỏ dại, rác thải bao phủ.
Trong thời gian phải giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, toà nhà A1 được sử dụng làm nơi cách ly, điều trị cho bệnh nhân. Khi dịch qua đi, nơi đây lại trở về với khung cảnh vắng vẻ vốn có, cây cỏ mọc um tùm, chắn hết lối đi quanh toà nhà.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp do UBND thành phố Hà Nội làm chủ sở hữu. Hiện, khu nhà đã hoạt động do Ban Quản lý các Công trình nhà ở và công sở của Sở Xây dựng quản lý đang cho sinh viên thuê, còn các khu nhà đang xây dở đang do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và công nghiệp quản lý. Hiện tại, những toà đang xây dở đã có đề án chuyển sang nhà ở xã hội.
Đang được cho thuê làm nhà kho, văn phòng, bãi đậu xe
Bề ngoài, toàn bộ khu nhà đang xây dở được quây kín tôn, bỏ hoang lâu năm. Tuy nhiên, tầng 1 khu nhà đang được cho thuê để làm văn phòng làm việc, kho chứa hàng, bãi đậu xe.
Qua quan sát, tại tầng 1 khu nhà xây dở không khác gì khu nhà xưởng với hàng chục nhà kho, văn phòng làm việc của các công ty, cơ sở kinh doanh, xung quanh khuôn viên toà nhà là chỗ đậu của nhiều xe tải lớn bé.
Theo tìm hiểu, những toà nhà xây dở đã được cho thuê gần chục năm nay. Giá thuê mặt bằng từ 100.000 - 130.000 đồng/m2/tháng, phí đậu xe hơn 1 triệu/xe/tháng.
Anh P. thuê mặt bằng tại toà A3 để làm gara ô tô với giá 20 triệu/tháng. Anh cho biết, mặt bằng ngay bên cạnh gara anh, đang thuê với giá hơn 30 triệu/tháng. Hiện, trong toà nhà này không còn chỗ trống cho thuê nữa.
Ngay gian nhà treo biển Ban chỉ huy công trường Công trình: Nhà A3 – Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ hiệp là văn phòng làm việc đầy đủ tiện nghi, xung quanh là kho đầy hàng hoá có treo biển “Địa điểm kinh doanh số 2 Công ty TNHH BT Tường An” do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp. Được biết, mặt bằng này rộng 500m2 được thuê với giá 50 triệu/tháng.
Chị L. đang thuê mặt bằng làm kho tại toà A3 đang xây dở cho biết, thủ tục cho thuê đơn giản, chỉ cần liên hệ với bảo vệ toà nhà, bảo vệ báo lên quản lý cấp đồng ý là được.
Trong vai người có nhu cầu thuê mặt bằng làm kho, phóng viên được giới thiệu người làm bảo vệ khu nhà đang xây dở. Theo người này, hiện tại ở đây gần như đã được thuê hết. Mặt bằng đang để trống không, người thuê chỉ vị trí, diện tích cần, sau đó sẽ có đội thi công dựng vách ngăn cách bằng tôn thép, xong đo diện tích để tính tiền thuê. “Nếu có đoàn xuống kiểm tra sẽ được báo trước hết. Khi đó bảo vệ đóng kín cổng tôn bên ngoài, và báo cho mọi người khép cửa làm việc bình thường bên trong”, bảo vệ này khẳng định.
Tiếp đó, phóng viên liên hệ với người được bảo vệ khu nhà xây dở gọi là “anh Nghiệp giám đốc” - người quyết định việc cho thuê, mong muốn thuê mặt bằng làm kho chứa hàng. Trao đổi qua điện thoại người này còn e dè, nhưng khi gặp trực tiếp, người này chia sẻ vào việc luôn. Người này tự giới thiệu thuộc đơn vị thi công trước đây, giờ đang quản lý của cả khu nhà xây dở này. Người này cho biết, mỗi toà nhà có diện tích sàn hơn 900m2, hiện chỉ còn trống 300 – 400 m2.
Mặc dù là đang cho hàng chục cá nhân, doanh nghiệp thuê, nhưng anh Nghiệp cũng thừa nhận, việc cho thuê là không được phép. Sau khi anh đồng ý cho thuê, bảo vệ là người đứng ra làm giấy viết tay, không có hợp đồng, đóng tiền thuê hàng tháng cho “kế toán” bằng cách chuyển khoản. Cũng không biết cho thuê được đến bao lâu, khi nào nhà nước lấy thì thôi, người này nói thêm.