20 năm gắn kết tình làng nghĩa xóm
20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã trở thành nét văn hoá, là hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm để chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Gắn kết tình nghĩa đồng bào
Tháng 11 hằng năm, khi mùa bão lũ đã qua, người dân Quảng Bình hối hả chuẩn bị cho vụ mùa mới. Tuy bận rộn là vậy nhưng mọi người luôn luôn sắp xếp thời gian và công việc để tham gia đông đủ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại nhà văn hoá của từng khu dân cư. Bên chén nước chè xanh, bà con hào hứng sẻ chia những kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai, lũ lụt; bàn bạc về vụ mùa lúa mới và chuyện thực hiện các phong trào thi đua yêu nước cũng được mọi người góp ý, bàn thảo.
Ông Lê Hùng Phi - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Quảng Bình, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh chia sẻ, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục mà còn là dịp kết nối “tình làng, nghĩa xóm”, trao truyền và giao lưu các giá trị văn hóa của cộng đồng. Thông qua Ngày hội, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ các công trình văn hóa, lịch sử; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
“Tôi cũng rất thích “Bữa cơm Đại đoàn kết” trong ngày hội, bởi mọi người bình đẳng, không phân biệt trẻ già trai gái, dân tộc, tôn giáo. Mọi người cùng quây quần ngồi lại với nhau để gắn kết nghĩa đồng bào trong cộng đồng dân cư” - ông Phi chia sẻ.
Gắn bó với công tác Mặt trận, ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Bố Trạch đã nhiều lần đến với các bản làng người A Rem, Ma Coong ở hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch. Được tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với đồng bào các dân tộc nơi đây điều ông thấy ấm áp nhất sự sẻ chia, tinh thần kết nối cộng đồng ngày càng tỏa sáng.
Ông Lê Duy Hưng cho biết, vào Ngày hội, các địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, hỗ trợ vật chất, chia sẻ kinh nghiệm giữa các khu dân cư. Đây là những hoạt động mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần gắn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn, để ý Đảng lòng dân ngày càng gắn kết.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh, sau 20 năm triển khai thực hiện Ngày hội đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hàng năm, có từ 93 đến 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội, trong đó có trên 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; trên 75% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết”.
Đoàn kết để xây dựng quê hương
Quảng Bình được ví là vùng đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Từ năm 2007 đến nay, địa phương này đã hứng chịu 6 đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ trên 1.200 tỷ đồng tiền và hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ người dân ở vùng “rốn lũ” xây dựng hàng ngàn nhà phao. Những năm gần đây, thông qua công tác vận động, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ các địa phương xây mới 50 nhà văn hoá cộng đồng kết hợp tránh lũ, tránh bão với số tiền gần 20 tỷ đồng. Những ngôi nhà nghĩa tình này không chỉ là nơi để người dân tránh lũ mà còn là địa điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.
Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết, sau 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét văn hoá, hoạt động không thể thiếu ở các KDC vào tháng 11 hằng năm. Nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Ngày hội với những cách làm hay, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, qua đó đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.
Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã trích Quỹ “Vì người nghèo” để trao tặng nhà Đại đoàn kết, giúp hộ nghèo về vốn, cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất. Trong 20 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được hơn 300 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 6.421 nhà Đại đoàn kết với kinh phí 97,7 tỷ đồng; sửa chữa 4.996 nhà với kinh phí 17,8 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 115.000 hộ nghèo phát triển sản xuất với kinh phí 73,9 tỷ đồng...