Áp dụng thông tư 13: Sẽ chấm dứt loạn giá
Ngày 15/8 tới đây, Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế về khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp sẽ chính thức có hiệu lực. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và những lợi ích của thông tư này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 13 được xem là bước đi hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Về mặt bản chất, Thông tư 13 không tăng giá khám chữa bệnh dịch vụ mà cung cấp khung giá dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện công. Từ đó, cơ sở y tế sẽ dựa vào để đưa ra mức giá người dân chi trả “hợp tình, hợp lý” lệ phí khám chữa bệnh dịch vụ. Ngược lại, cơ sở y tế sẽ có nguồn thu. Đây là biện pháp để đôi bên đều có lợi.
Thực tế, do không có khung giá quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện tự đưa ra mức giá và có nhiều bất cập. Ví dụ, trước đây khi thay khớp nối, nhiều bệnh viện cho rằng riêng mua khớp nối, chưa tính công làm đã hơn tiền Bộ Y tế quy định tại Thông tư 37. Lý do là quy định không đúng, hoặc sau đó khớp nối tăng giá. Do đó, khi quy định cũ không còn phù hợp, sự thay đổi là điều tất yếu.
Tại Thông tư này, các thành phần cấu thành giá đều đã được đề cập, cụ thể là khung giá đã bao gồm tính đúng, tính đủ chi phí y tế và cả tích lũy để bệnh viện có thể tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bệnh viện và người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào khi Thông tư 13 chính thức có hiệu lực, thưa ông?
- Về lợi ích mang lại của Thông tư 13, đó là hướng dẫn để các cơ sở y tế theo và biết là nên xây dựng ở mức nào trong khung giá, để phù hợp với sức chi trả của người dân. Nếu xây dựng giá quá cao mà cơ sở vật chất không đáp ứng thì người dân sẽ không đến, bệnh viện rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Tuy nhiên, nếu có mức giá hợp lý thì rõ ràng là sẽ có khách.
Nhờ Thông tư này, bệnh viện sẽ không cậy mình có uy tín, thương hiệu mà xây dựng giá một cách tuỳ tiện. Thay vào đó, bệnh viện phải xây dựng theo khung giá của Bộ Y tế và từ đó, người dân sẽ được hưởng lợi. Với việc đã tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh, người dân có thể yên tâm chi trả trong khung giá. Có thể nói, hướng dẫn của Thông tư chính là cơ sở pháp lý giúp bệnh viện xây dựng giá khám chữa bệnh hợp lòng dân.
Theo ông, các bệnh viện đã hoàn toàn “thỏa mãn” với Thông tư này?
- Khi đã nói đến giá cả, có thể khẳng định nó luôn có sự thay đổi, kể cả giá trần và giá sàn cũng có thể thay đổi theo từng thời điểm. Ví dụ, giá vật tư tiêu hao y tế đang thay đổi theo từng thời điểm mà mức giá này không phụ thuộc vào Bộ Y tế, nó phụ thuộc vào hãng cung cấp. Khi hãng cung cấp vật tư thay đổi giá, tăng hoặc giảm thì bệnh viện sẽ là cơ sở chịu ảnh hưởng và khi đó cần xây dựng lại giá khám chữa bệnh dịch vụ.
Mặc dù, Thông tư đã tạo nhiều thuận lợi cho các bệnh viện trong thời điểm hiện tại nhưng khung giá này của Bộ Y tế cũng chỉ nên áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, cần có những sự điều chỉnh theo thị trường.
Một vấn đề khác, khung giá được quy định tại Thông tư 13 mới chỉ là khung giá của dịch vụ kỹ thuật. Trong khi đó, ở phạm vi khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, vẫn còn một góc độ khác, đó là khi người dân đưa ra những yêu cầu dịch vụ đặc biệt. Đơn cử như người bệnh yêu cầu đích danh người thực hiện kỹ thuật, hay như phụ sản muốn chọn ngày, chọn giờ sinh con…Trong những yêu cầu mà Bộ Y tế đưa ra tại Thông tư lần này chưa đủ hết các yêu cầu của người dân,
Ngoài ra, danh mục kỹ thuật tại Thông tư 13 cũng chưa được đầy đủ, vì hiện nay có khoảng 17.000 danh mục kỹ thuật nhưng Thông tư mới đưa ra 7.000 danh mục kỹ thuật, 10.000 còn lại chưa được công bố khung giá.
Bộ Y tế cũng đã đề xuất tăng giá khám chữa bệnh bởi mức lương cơ sở đã tăng từ ngày 1/7. Ông có thể đưa ra quan điểm về việc tăng giá lần này?
- Việc tăng giá khám chữa bệnh khi lương cơ sở tăng là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Một ví dụ cụ thể, tính riêng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong tháng 7 này, do lương cơ sở tăng nên chỉ tính riêng khoản chi trả cho cán bộ, công nhân viên đã tăng thêm 4 tỷ. Trong khi đó, 10 năm nay bệnh viện tự chủ tài chính hoàn toàn. Vậy 4 tỷ ấy, nếu như không phải có khách hàng, bệnh nhân, không tính đúng, tính đủ về giá dịch vụ thì sẽ không có gì để trả nhân viên, cuối cùng là thành nợ nhân viên.
Bởi vậy, Luật Khám, chữa bệnh mới có hiệu lực vào năm 2024 mới chú trọng vào việc tính đúng, tính đủ. Chỉ có như vậy mới có kinh phí để các bệnh viện trả lương cho cán bộ, công nhân viên, mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như có một khoản tích luỹ, kể cả trường hợp rủi ro.
Đương nhiên, ngoài câu chuyện tăng giá khám chữa bệnh, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng cần đặt ra cho các bệnh viện tự chủ là trụ được thương hiệu, giữ được người tài để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trân trọng cảm ơn ông!