Hồi sinh di sản xứ Mường

Ngô Hùng 21/07/2023 08:56

Với hơn 55% người Mường sinh sống, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, nhiều di sản đã được hồi sinh.

Luyện tập diễn xướng cồng chiêng.

Dù chưa một cơ quan nào công nhận, nhưng ông Đinh Văn Thành (gần 70 tuổi, trú tại khu 11, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) vẫn được gọi bằng cái tên “Nghệ nhân xứ Mường”. Sở dĩ mọi người gọi như vậy bởi ông Thành am hiểu và dành tình yêu đặc biệt với bản sắc văn hoá Mường.

Sinh ra và lớn lên ở xứ Mường, ngay từ nhỏ, ông Đinh Văn Thành đã được nghe những bài hát ví, được xem diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, sênh tiền… Những câu hát, nhịp điệu ấy đã ăn vào máu thịt, tâm trí ông lúc nào không hay. Để rồi khi những ngôi nhà sàn truyền thống bị dỡ bỏ để xây bằng gạch đá, ông chợt nhận ra như mất thứ gì đó lớn lao. “Năm 1981, tôi xuất ngũ về quê, thấy văn hoá dân tộc Mường ở địa phương có phần mai một. Trong tôi như có lời thúc giục phải làm gì đó để giữ gìn nét văn hoá phong phú, đẹp đẽ này” - ông Thành nói.

Nghĩ là làm, ngoài thời gian ruộng nương, ông tìm gặp người già quanh vùng để ghi chép lại những bài hát ví, diễn tấu cồng chiêng, múa trống đu, đâm đuống, múa sênh tiền, lễ hội đóng, mở cửa rừng, tín ngưỡng thờ cúng của người Mường...

“Sưu tầm rất mất thời gian và vất vả, nhưng mỗi khi chép được những câu hát như “Mừng lễ hội làng ta như con gà mừng hạt tấm, con trâu nó mừng đồng cỏ rộng, con cá nó mừng cái khoang sâu”, “Mừng lễ hội làng ta như cái trống cái mừng cái dùi son, như cháu như con mừng ông mừng bà…”. Hay dàn dựng thành công những tiết mục cồng chiêng, đâm đuống, trống đu, mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến” - ông Thành cho biết.

Đến dịp lễ, Tết, ông Thành lại trực tiếp hướng dẫn bà con những điệu múa, câu hát, những nghi lễ để mọi người cùng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời ông còn tích cực tham gia vận động người dân tham gia vào các câu lạc bộ văn hoá dân tộc Mường, thu hút đông đảo người tham gia.

“Ông Thành là người có công lớn trong việc phục dựng, giữ gìn văn hoá dân tộc Mường. Những năm gần đây, huyện Thanh Sơn nói chung và xã Tất Thắng nói riêng rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá của dân tộc này. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp, việc duy trì các câu lạc bộ, gìn giữ chiêng, trống, trang phục, dụng cụ lao động, phục dựng nhà sàn truyền thống còn hạn chế”, ông Đinh Xuân Biên - Chủ tịch MTTQ xã Tất Thắng cho biết.

Bà Sa Thị Tâm (70 tuổi, trú tại xã Khả Cửu, Thanh Sơn) là người tích cực tham gia câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường của địa phương. Từ nhỏ, bà đã được những người già trong thôn truyền dạy điệu hát. Khi 15 tuổi, bà đã biết hát những điệu hát ru, hát đúm, hát giao duyên…

“Mỗi làn điệu là câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu, lời chúc năm mới, để mỗi người con dân tộc Mường giao lưu, chuyện trò, cũng như nhớ đến công ơn của cha ông. Nhiều năm nay, dịp lễ, Tết nào tôi cũng tham tập luyện và biểu diễn một vài tiết mục” - bà Tâm chia sẻ.

Theo bà Đinh Thị Thanh Hà - Chủ tịch MTTQ xã Khả Cửu, hiện xã có 15 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường. Câu lạc bộ ra đời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình.

“Xã Khả Cửu hiện còn nhiều ngôi nhà sàn, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... mang đậm bản sắc văn hóa nên được chọn thực hiện thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” - bà Hà vui vẻ khoe.

Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, niềm đam mê của những người yêu văn hoá dân tộc Mường, 3 di sản gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian (diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu, hát ví, hát rang...), lễ hội truyền thống Đình Lưa (xã Tân Lập) và phục chế hiện vật, công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường (cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước...) ở Thanh Sơn đã được phục dựng thành công. Ngoài ra, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống đã được kiểm kê, sưu tầm, phục dựng và truyền dạy để văn hóa Mường lan tỏa trong đời sống.

Đến nay, huyện Thanh Sơn đã thành lập được gần 130 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường tại các xã, khu dân cư, trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng; phục chế được nhiều hiện vật, đồ dùng, nghề thủ công truyền thống, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường.

Ngô Hùng