Ngân hàng lại lo nợ xấu

H.Hương-M.Sang 21/07/2023 08:56

Nợ xấu đang có chiều hướng tăng nhanh. Rủi ro tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) - lĩnh vực có tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây các ngân hàng liên tiếp rao bán tài sản đảm bảo. Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này chủ yếu là BĐS tại nhiều địa điểm du lịch như TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), TP Đà Nẵng hay tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp, mặc dù các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay tương đối sâu, song tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 4%, mặt khác cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường BĐS dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) phải hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB đánh giá, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu. Đây là một bài toán khó cho các ngân hàng khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.

Bà Hiền phân tích, Thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có thời hạn 1 năm đến hết tháng 6/2024, được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các DN, đặc biệt là các DN BĐS, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu). Các giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tín dụng vào kinh doanh BĐS tính đến hết tháng 5/2023 tăng 14%.

Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho rằng, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực BĐS cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản.

Theo các ngân hàng, nợ xấu gia tăng ngoài việc khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 thì việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc cũng là một nguyên nhân. Ngoài ra, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank, cho biết hiện nay người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất. Do đó, cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. “Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ” - lãnh đạo VPBank nói.

Tương tự, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB đề nghị, Quốc hội và Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.

Được biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng. Cùng với đó, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh.

H.Hương-M.Sang