Ngăn chặn bất bình đẳng toàn cầu

Hà Anh 21/07/2023 08:56

Một nhóm hơn 200 nhà kinh tế hàng đầu cho biết, nếu không giải quyết được hố ngăn cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo trên thế giới sẽ làm gia tăng nghèo đói và tăng nguy cơ suy thoái khí hậu.

Khoảng cách giàu – nghèo gia tăng sau đại dịch Covid-19. Ảnh: The Guardian.

Tỷ lệ giàu - nghèo đều tăng

Trong một bức thư gửi cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga, các chuyên gia kinh tế đến từ 67 quốc gia kêu gọi 2 cơ quan này hành động nhiều hơn để đảo ngược tình trạng bất bình đẳng toàn cầu gia tăng mạnh nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong số những người ủng hộ lời kêu gọi hành động có cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và các nhà kinh tế học.

Giảm bất bình đẳng vào năm 2030 là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ được cộng đồng quốc tế thống nhất vào năm 2015. Lời kêu gọi cho rằng, cần có hành động khẩn cấp trước tác động khác nhau của đại dịch Covid-19 đối với người giàu và người nghèo.

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho thấy, trung bình 70% người lớn được khảo sát ở 24 nước, từ Mỹ đến Nigeria và Hàn Quốc, tin rằng, tình hình kinh tế tại nước họ là “tệ hại”. Ở hầu hết các nước trong diện khảo sát, mức độ phản ứng tiêu cực đã xấu đi kể từ năm ngoái (2022) và trở nên sâu sắc hơn do các lo lắng về khủng hoảng lạm phát và chi phí sinh hoạt, trong khi những người giàu nhất tại nhiều nước trong số này lại càng giàu hơn.

Sự bất bình đẳng không chỉ liên quan đến tiền lương. Các tổ chức quốc tế đã phân loại cả các hình thức phân hóa khác đang gia tăng và bị đại dịch Covid-19 làm cho trầm trọng thêm, từ khác biệt trong khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 đến công nghệ số. Biến đổi khí hậu cũng tác động bất công lên người nghèo và các cộng đồng yếu thế khi họ chịu tác động nhiều nhưng lại đóng vai trò không đáng kể trong phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo tổ chức quốc tế Oxfam, “các công ty lương thực và năng lượng đã tăng gấp đôi lợi nhuận của mình vào năm 2022, đưa thêm 257 tỷ USD vào túi người giàu, trong khi hơn 800 triệu người luôn phải ngủ trong tình trạng đói bụng”.

Các nhà kinh tế yêu cầu đo lường tốt hơn sự bất bình đẳng và các mục tiêu tham vọng hơn để thu hẹp khoảng cách thu nhập và giàu nghèo. “Chúng ta đang sống trong thời kỳ bất bình đẳng kinh tế cực kỳ cao. Lần đầu tiên sau 25 năm, tình trạng nghèo đói và cực kỳ giàu có trên toàn cầu đã đồng thời gia tăng. Từ năm 2019 đến 2020, bất bình đẳng toàn cầu gia tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Thế chiến thứ 2”.

“10% dân số giàu nhất toàn cầu hiện chiếm 52% thu nhập toàn cầu, trong khi một nửa dân số nghèo nhất kiếm được 8,5%. Hàng tỷ người phải đối mặt với khó khăn do giá lương thực ngày càng tăng cao, trong khi số lượng tỷ phú đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua” – thư ngỏ nêu rõ.

Vào tháng 4 năm nay, khi Tổng Thư ký LHQ Guterres xem xét các mục tiêu của năm 2030, ông nhận thấy sự bất bình đẳng ở mức cao kỷ lục, chỉ có 10% quốc gia đi đúng hướng để đạt được mục tiêu.

Thu hẹp khoảng cách

Tháng 10 năm ngoái, WB cho biết, tiến độ giảm nghèo đã bị đình trệ. Ngân hàng này dự báo rằng, nếu không có những nỗ lực tăng tốc đáng kể thì sẽ không có cơ hội đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Theo một báo cáo được Oxfam công bố trước đó trong năm nay, 1% người giàu nhất thế giới chiếm tới 2/3 tổng tài sản mới được tạo ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Oxfam khuyên các chính phủ trên thế giới “giảm một nửa mức độ giàu có của các tỷ phú và số lượng tỷ phú từ nay đến năm 2030, bằng cách tăng thuế lên bộ phận 1% giàu nhất và áp dụng các chính sách ngăn ngừa sản sinh tỷ phú”. Theo báo cáo, cách này “sẽ giảm mức độ giàu của tỷ phú và số lượng tỷ phú xuống mức cách đây một thập kỷ, tức là vào năm 2012”.

“Chúng tôi biết rằng sự bất bình đẳng cao sẽ làm suy yếu tất cả các mục tiêu xã hội và môi trường. Nó phá hủy lòng tin, cản trở sự thịnh vượng. Nếu không giảm mạnh tình trạng này, 2 mục tiêu là xóa đói giảm nghèo và ngăn chặn biến đổi khí hậu sẽ xung đột rõ ràng hơn” – các nhà kinh tế bày tỏ trong thư ngỏ.

Báo cáo cho rằng, giải quyết bất bình đẳng không phải là một mục tiêu độc lập, tất cả các chính sách kinh tế, tài chính và xã hội nên được đánh giá về tác động có thể xảy ra đối với bất bình đẳng.

Ông Max Lawson - người đứng đầu chính sách bất bình đẳng tại Oxfam - cho biết: “Chưa bao giờ cuộc chiến thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lại cấp bách hơn thế. Sự gia tăng đáng kể về bình đẳng là chìa khóa cho một thế giới tốt đẹp hơn và đánh bại sự cố khí hậu trước khi quá muộn”.

Ông Matthew Martin - Giám đốc nhóm chiến dịch Development Finance International - cho biết: “Nếu chúng ta không bắt đầu đo lường sự bất bình đẳng một cách đúng đắn ngay bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ giảm được nó một cách nghiêm túc vào năm 2030”.

Người phát ngôn của WB cho biết: Hiện nay, sự bất bình đẳng đang ở mức cao không thể chấp nhận được trên toàn thế giới khi những người nghèo nhất tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. WB cam kết giải quyết bất bình đẳng dưới mọi hình thức - con đường đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Hà Anh