Khối ngành sức khỏe: Điểm sàn cao nhất là 22,5 điểm
Chiều 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn xét tuyển năm 2023 với nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học (ĐH); nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng (CĐ) dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, với khối ngành đào tạo sức khỏe, mức điểm sàn dao động từ 19- 22,5 điểm. Cụ thể như sau: Y học dự phòng, Hộ sinh, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng có mức điểm sàn là 19 điểm. Ngành Y học cổ truyền, Dược học có mức điểm sàn 21 điểm. Ngành Y khoa và Răng- Hàm- Mặt có mức điểm sàn là 22,5 điểm.
Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, mức điểm sàn với trình độ đào tạo ĐH là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật mức điểm sàn là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Cùng với đó, ngưỡng điểm sàn với trình độ giáo dục mầm non trình độ CĐ là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa. Còn lại các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Việc quy định mức điểm sàn chung với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ GDĐT thực hiện 5 năm nay (từ năm 2018) nhằm nâng cao chất lượng đầu vào với ngành nghề quan trọng, liên quan đến sức khỏe. Theo đó, với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe hàng đầu như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM và một số trường công lập khác, ngưỡng sàn này không có quá nhiều ý nghĩa bởi điểm trúng tuyển luôn cao hơn nhiều so với mức sàn.
Quy định điểm sàn chung với nhóm ngành giáo viên cũng bắt đầu từ năm 2018, xuất phát từ thực tế tuyển sinh năm 2017, nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường chỉ lấy 3 điểm mỗi môn. Việc quy định điểm sàn khối ngành sư phạm giúp thu hẹp khoảng cách đầu vào khối ngành này ở các trường.
Trước đó, ngày 20/7 nhiều trường ĐH trên cả nước đồng loạt công bố điểm sàn xét tuyển dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đơn cử, ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo mức điểm sàn và dự báo điểm chuẩn năm 2023 đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và theo điểm thi đánh giá tư duy. Theo đó, đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn tất cả các ngành là 20 điểm. Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy 2023, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển là 50 (theo thang điểm 100). Trường ĐH Thương mại thông báo mức điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển đại học chính quy năm 2023 vào tất cả các ngành là 20 điểm. Học viện Hành chính Quốc gia thông báo mức điểm sàn từ 15-21,5 điểm với cơ sở tại Hà Nội…
Trường ĐH Ngoại thương đang lấy điểm sàn cao nhất - 23,5, áp dụng tại tất cả cơ sở, mọi ngành và tổ hợp. So với năm ngoái, trụ sở chính tại Hà Nội, cơ sở TPHCM giữ nguyên điểm sàn, nhưng cơ sở Quảng Ninh tăng tới 3,5 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải đạt gần 8 điểm một môn mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. ĐH Công nghiệp Hà Nội lấy điểm sàn từ 17 đến 23, trong đó ngành Công nghệ thông tin cao nhất. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng có một ngành xét hồ sơ từ 23 điểm là Công nghệ thông tin - Truyền thông. Trong khi đó, nhiều trường như ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định lấy điểm sàn chỉ ở mức 15, tức trung bình 5 điểm một môn. ĐH Duy Tân xét thí sinh đạt từ 14 điểm.