Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội: Nguy cơ bùng phát mạnh
Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội. Thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành điểm nóng về SXH ở miền Bắc.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 130 - 170 ca SXH/tuần thì đến giữa tháng 7 đã tăng gấp khoảng 2 lần (với 290 ca/tuần). Ngoài ra, ổ dịch cũng tăng gấp 3 lần, từ 7 ổ dịch mới trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 7/7) đã tăng lên 22 ổ dịch trong tuần 28 (từ ngày 7 đến 14/7). Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Hà Nội có tổng số 1.114 ca mắc SXH, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
BS Vương Trương Trọng - Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho biết: 6 tháng đầu năm nay, khoa tiếp nhận 98 trường hợp SXH, trong đó riêng tháng 6/2023 có hơn 10 ca. Tuy nhiên, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7/2023 đã ghi nhận tới 7 ca bệnh phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết hiện nay của Hà Nội, nắng nóng và mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển và nguy cơ bùng phát dịch nếu không dự phòng tốt. Cùng với đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hiện cũng có khoảng 30 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị nội trú.
Chỉ tính riêng trong vòng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng rõ rệt, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. BS Trần Duy Hưng - Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) khuyến cáo: SXH có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, người dân thường hay chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà và khi đến bệnh viện đã trong tình trạng nặng. Theo BS Hưng, một người có thể mắc SXH 2 lần với 2 type khác nhau trong một mùa dịch. Do đó, người đã từng mắc bệnh tuyệt đối không được chủ quan.
Nhận định về diễn biến của dịch SXH, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tuy giảm, song đáng lưu ý là tại khu vực miền Bắc, dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp hơn. Đặc biệt, Hà Nội đang là địa bàn đối mặt với nguy cơ trở thành điểm nóng về dịch bệnh SXH.
Dù đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế sự lây lan của SXH từ rất sớm nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn.
Theo các chuyên gia, hiện thời tiết tại khu vực phía Bắc và Hà Nội đang diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều khiến chu kỳ của muỗi phát triển rất nhanh. Dự báo, từ tháng 7 đến tháng 11, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu “không có bọ gậy, không có SXH”.
Ông Dũng chia sẻ, khi đến một số nơi, không chỉ có người dân mà ngay cả địa phương cũng tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống SXH một cách nhầm lẫn là khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm… Thế nhưng, muỗi gây bệnh SXH chỉ đẻ trứng ở nơi nước trong, nước sạch. Do đó, để phòng bệnh, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để tồn tại các vật dụng chứa nước, hoặc để nước đọng trong các xô chậu, chum vại, chai, lọ…
BS Vũ Hoài Nam - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu Nghị) khuyến cáo, việc phát hiện sớm, hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh SXH sẽ giúp điều trị kịp thời cứu sống người bệnh, tránh tử vong. SXH là bệnh do virus gây ra, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù dịch, chăm sóc dinh dưỡng... Diễn biến của bệnh rất đa dạng, từ nhẹ đến rất nặng, thậm chí là tử vong. Hiện nay có tình trạng một số người dân chủ quan với bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị SXH dẫn đến trở nặng.