Ngang nhiên mạo danh thương hiệu bệnh viện
Hiện có tình trạng, những thương hiệu bệnh viện lớn bị sử dụng một cách ngang nhiên để đặt tên cho các cơ sở như: Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Đa khoa Chợ Rẫy, Pasteur Clinic, Thẩm mỹ 175 Sài Gòn cơ sở 1... Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín của các bệnh viện, kèm với đó là những hệ lụy khó lường đối với sức khỏe người dân, thậm chí là cả tính mạng của người sử dụng dịch vụ.
Nhiều bệnh viện bị mạo danh thương hiệu
Ngày 20/7, Bệnh viện Quân y 175 đưa ra thông báo về tình trạng mạo danh thương hiệu của Bệnh viện để lừa đảo, trục lợi. Bệnh viện Quân y 175 cho biết, dù liên tục cảnh báo song những phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ vẫn sử dụng thương hiệu của Bệnh viện để quảng cáo thu hút khách hàng. Theo đó, hàng loạt trang fanpage giả mạo ra đời đã sao chép và đăng tải lại các bài, logo, ảnh bìa trang fanpage chính của bệnh viện.
Thậm chí, có một số trang facebook còn giả mạo, lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để thu hút khách hàng. Theo khẳng định của Bệnh viện Quân y 175, bệnh viện đang sở hữu trang fanpage Bệnh viện Quân y 175 có dấu tích xanh. Đây là fanpage chính chủ, được công nhận và xác minh quyền sở hữu. Bệnh viện chỉ có 1 trang thông tin điện tử “benhvien175.vn”. Hiện bệnh viện có cơ sở khám chữa bệnh duy nhất ở số 786 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM. Tất cả cơ sở thẩm mỹ lấy tên “Bệnh viện 175” ngoài khuôn viên bệnh viện ở thành phố và các tỉnh thành khác đều là giả mạo.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Bệnh viện Quân y 175 cũng đã đưa ra cảnh báo về việc một số trang fanpage giả mạo trang của bệnh viện. Đặc biệt, có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của bệnh viện giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi.
“Việc mạo danh, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ; đồng thời, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang” - Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định.
Trước đó, ngày 19/7, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phát cảnh báo về việc tiếp tục bị mạo danh. Cụ thể, bệnh viện nhận được nhiều tin nhắn hỏi về thông tin tuyển dụng vị trí trưởng phòng điều dưỡng trên trang fanpage có tên “Đa khoa Chợ Rẫy”, có thông tin ứng tuyển rõ ràng. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện chỉ có 1 trang fanpage chính chủ, còn lại các trang khác lấy tên Chợ Rẫy đều không thuộc quản lý của bệnh viện.
Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi cung cấp hồ sơ cá nhân cũng như click vào các trang giả mạo.
Nỗ lực ngăn chặn
Nói về vấn đề này, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho hay, việc kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc đánh cắp thương hiệu và pháp luật quyền sở hữu trí tuệ không thuộc thẩm quyền Sở Y tế TPHCM. Sở Y tế thành phố chỉ cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tên cơ sở, công ty trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đối với công ty, UBND quận/huyện cấp đối với hộ kinh doanh).
Trước thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nhận định, một số cơ sở y tế mới sử dụng tên thương mại tương tự các bệnh viện có danh tiếng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Ông Hậu lý giải, tên riêng của các bệnh viện, phòng khám nói riêng và của tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh được Luật SHTT quy định thuộc nhóm tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật SHTT, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
“Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với tên thương mại của mình, các bệnh viện có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ được quy định, trong đó có khởi kiện dân sự. Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp dân sự theo Luật SHTT để xử lý cơ sở vi phạm như: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại. Thậm chí, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp” - ông Hậu nhấn mạnh.
Lo ngại tình trạng các cơ sở khám bệnh, thẩm mỹ mạo danh tên tuổi bệnh viện lớn, Luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng hơn và chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. “Nếu thấy các cơ sở khám bệnh hay cơ sở thẩm mỹ không ghi rõ chi nhánh của bệnh viện mà chỉ có cái tên tương đồng thì người tiêu dùng nên gọi điện đến bệnh viện để xác minh. Tránh trường hợp tiền mất, tật mang với các sơ cở y tế giả mạo, nguy hiểm hơn nữa là ảnh hưởng đến tính mạng” – bà Thu nói.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật SHTT, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.