Điểm cuối trong 'vòng tròn phạm tội'

PV 22/07/2023 07:00

Ngày 21/7, tròn 10 ngày phiên xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, trừ 2 ngày nghỉ cuối tuần. Sáng 11/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội khai mạc phiên tòa xét xử 54 bị cáo. Phiên tòa nhận được sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội, vì đó là đại án có quy mô rất lớn, liên quan tới một số cơ quan ở trung ương lẫn địa phương, trong nước và ngoài nước, doanh nghiệp và các cán bộ công chức thoái hóa, biến chất.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 54 bị cáo bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Trong đó: 21 người nhận hối lộ; 23 người đưa hối lộ; 4 người môi giới hối lộ; 4 người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một thời điểm cũng gây “cảm xúc mạnh” là vào ngày 17/7, ngày thứ 5 xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Trong đó, đề nghị mức án tử hình với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trong 10 ngày qua, nhiều tình tiết, nhiều buổi xét xử gây xôn xao dư luận. Trong đó có thể kể đến những màn “kể tội” đầy kịch tính giữa cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), với tình tiết rất đáng chú ý là trong chiếc vali bị can Tuấn chuyển cho Hưng đựng 4 chai rượu vang hay là “xếp” 450.000 USD thành 2 gói.

Phần tự bào chữa trước tòa của một số giám đốc doanh nghiệp về tội đưa hối lộ cũng hé mở nhiều tình tiết quan trọng và tự nó cũng cho thấy nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Ở đây, xin được nói về 2 bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và bị cáo Trần Văn Tân - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 2 bị cáo này nhận hối lộ qua việc duyệt cấp phép cho người về trên các chuyến bay cách ly tại địa bàn. Có nghĩa là họ ở điểm cuối trong “vòng tròn phạm tội” của chuyến bay giải cứu.

Bị cáo Chử Xuân Dũng bị cáo buộc đã 7 lần nhận tiền, nhưng tại bản ghi lời khai cuối cùng không xác nhận bao nhiêu vì cho rằng bản thân không nhớ nổi đã nhận bao nhiêu tiền, bao nhiêu lần. Bị cáo này còn cho rằng do người đưa hối lộ “nói quá khéo léo” nên đã nhận tiền và trở thành người phạm tội, rất đau đớn khi trở thành “tội đồ”.

Còn với bị cáo Trần Văn Tân, bị cáo buộc 9 lần nhận hối lộ, tổng 5 tỷ đồng. Trước tòa, bị cáo Tân cho biết đã nhận thức được hành vi sai phạm, thừa nhận những yếu tố cấu thành tội phạm như trong cáo trạng nêu.

Nếu như trong phần trình bày xin được giảm tội, bị cáo Dũng cho biết mình đã có nhiều công sức khi làm trong ngành giáo dục hơn 20 năm, làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; thì bị cáo Tân còn gây ngạc nhiên khi đọc thơ trước tòa: "Bàn tay trót đã nhúng chàm, vậy rồi dừng lại biết làm sao đây".

Xin được nhẹ tội, kể cả kêu oan thì cũng là quyền của bị cáo. Nhưng điều đáng nói là hai quan chức địa phương này đã không nhận thức hết hành vi sai phạm của mình khi đã nhận hối lộ - những đồng tiền của công dân bỏ ra khi mà họ đã phải qua biết bao khó khăn nơi xứ người để được về quê cha đất mẹ. Tuy họ không đưa trực tiếp, nhưng doanh nghiệp đã trục lợi được từ họ để mang đi hối lộ.

Đã là “tội đồ” thì khoe gì “công trạng” trước đó. Nhất là lại có vài chục năm làm thầy giáo. Làm thầy mà lại thế ư? Và nữa, đã là tội đồ vẫn còn dám cảm thán đọc thơ trước tòa.

Nghĩ thật đau lòng!

PV