Hàng lậu, hàng giả vẫn hoành hành

H.Hương-M.Sang 22/07/2023 07:00

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng, thế nhưng vấn nạn buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn không chấm dứt. Từ đó gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.

Lực lượng quản lý thị trường Bình Phước tăng cường hoạt động kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Nguồn ảnh: BinhPhuoc online.

Ông Hoàng Hữu Lộc - Phó phòng Bán hàng (Công ty CP Pin ắc-quy miền Nam - Pinaco), cho biết ắc-quy nhập lậu đang khiến doanh nghiệp (DN) này rất khó cạnh tranh. Chênh lệch giá ắc-quy sản xuất trong nước với ắc-quy nhập khẩu chỉ 1-2%, nhưng tính tổng số lượng sản phẩm thì rất lớn. Một số nhãn ắc-quy nhập khẩu chỉ xuất hoá đơn VAT bằng 66% so với bảng giá công bố đến khách hàng.

Lợi dụng tên tuổi của các nhà sản xuất

Theo tính toán, 1 bình ắc-quy 120Ah có giá công bố là 2.840.000 đồng, giá xuất hóa đơn VAT 1.868.400 đồng, chênh lệch giá là 971.600 đồng. Nếu nhân với 8% thuế VAT thì nhà nước thất thoát 77.728 đồng/đơn vị sản phẩm.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê, mỗi năm các công ty nhập ắc-quy từ Hàn Quốc khoảng 6 triệu USD (tương đương 144 tỷ VND) = 140.000 bình ắc-quy (quy chuẩn). Như vậy, Nhà nước sẽ mất khoảng: 77.728 đồng x 140.000 bình = 10,8 tỷ đồng tiền thuế VAT (chưa tính thuế nhập khẩu).

Ông Lộc cho rằng, mỗi bình ắc-quy nhập khẩu gian lận thuế tác động giá giảm được từ 25% đến 36%. Với độ "vênh" lớn như vậy thì giá các bình ắc-quy nhập bán ra rất thấp. Muốn cạnh tranh, DN trong nước chỉ có cách hạ giá bán, nhưng dù hạ xuống bằng giá thành thì giá bán cũng cao hơn bình nhập trốn thuế từ 10-15%.

Một dẫn chứng liên quan đến việc hàng giả gây tổn thất cho DN là vụ việc Công ty cổ phần Everpia - chủ sở hữu hợp pháp được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chăn ga gối đệm Everon. Công ty đã phối hợp cùng cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án huyện Thường Tín trong quá trình điều tra, bắt, khởi tố và xét xử đối tượng với hành vi sản xuất và buôn bán các sản phẩm không được ủy quyền thương hiệu Everon diễn ra vào hồi đầu năm ngoái.

Theo đó, có một cơ sở chuyên sản xuất chăn ga gối đệm tại gia đình, nhận được một đơn hàng từ tài khoản xã hội hỏi đặt mua 30 đệm bông ép gắn nhãn Everon. Do hám lợi, chủ cơ sở này đồng ý sản xuất và thỏa thuận bán cho người mua với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng Everon. Đáng chú ý, công an phát hiện tại cơ sở có 31 đệm bông ép thành phẩm, loại 3 tấm, đều là các sản phẩm đệm thành phẩm trên tem, nhãn, bao bì trực tiếp có nhãn "EVERON" và logo thương hiệu Everon của Công ty CP Everpia.

Công ty Everpia đề nghị tiêu hủy các vật chứng để tránh ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và lợi ích của người tiêu dùng nếu các sản phẩm giả này bị đưa vào sử dụng. Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và đã xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường còn cho biết, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, nghiên cứu pháp luật để luồn lách cơ quan chức năng. Không ít sản phẩm hàng giả giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đó, để xử lý những tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí lực lượng còn bị các đối tượng kiện ngược.

Lực lượng chức năng xử lý một kho hàng giả, hàng nhái tại Ninh Bình. Nguồn: VGP.

Tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, DN vô cùng âu lo khi hàng giả xuất hiện tràn lan trên các trang mạng, từ những sàn thương mại điện tử có tên tuổi, đến các điểm bán phân tán trên các nền tảng như Facebook hay Zalo… Hàng giả còn tồn tại sẽ đem đến thiệt hại rất lớn cho DN bởi không những không bán được hàng hóa sản xuất ra, DN còn đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thị trường. Đặc biệt, việc mất uy tín, mất thương hiệu còn gây thiệt hại lớn hơn giá trị cụ thể của việc mất doanh số, nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời.

Ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, số vụ việc, vụ án phát hiện hàng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm so với thực tế còn có hạn chế, đặc biệt là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có tỷ lệ phát hiện so với hàng buôn lậu, hàng cấm còn khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ chiếm 20-30%.

Về việc bị làm giả hàng hóa, đại diện Công ty Honda Việt Nam đã thông tin, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái làm giả nhãn hiệu Honda diễn ra tại nhiều địa phương không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của DN. Công ty Honda Việt Nam hiện có hơn 300 nhãn hiệu được bảo hộ, chia thành 4 nhóm chính là nhãn hiệu ô tô xe máy; phụ tùng; dầu nhờn; thiết kế cửa hàng. Hiện nay, cả 4 nhóm nhãn hiệu chính này đều bị vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Các mẫu tem, dầu nhớt, biển hiệu không đúng quy cách cấu trúc của Honda Việt Nam cũng được làm giả rất tinh vi và buôn bán tràn lan trên thị trường. Đơn cử mới đây nhất, ngày 16/2/2023 Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phát hiện 6 cơ sở đang kinh doanh 117 sản phẩm phụ tùng xe mô tô nghi giả nhãn hiệu Honda và Yamaha.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng hơn cho các DN, nhà sản xuất chân chính. Ông Hiếu cho rằng, một DN nhập khẩu gian lận thuế, thì giá cả hàng hóa của họ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, ngược lại, những DN sản xuất chân chính phải chịu nhiều chi phí hơn, phải bảo hộ quyền sở hữu, tìm kiếm thị trường...

Kiên quyết đấu tranh với hàng giả

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Biến động chênh lệch giá giữa các vùng, miền, trong và ngoài nước còn lớn. Đặc biệt, có sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến của một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu. Đây là nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, cũng là thách thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng thực thi công tác này.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Đức Đông cho biết, sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, xây dựng, triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây và tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Đặc biệt, tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến cơ chế phối hợp và các điều kiện khác để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời và từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và ngăn ngừa sớm các sai phạm nhằm bảo vệ cán bộ, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và những sai phạm nghiêm trọng trong công tác này.

Bà Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, để giải quyết thách thức này, phải đồng bộ về pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan trong nước, nâng cao công tác cán bộ, hợp tác quốc tế với những nước Việt Nam có quan hệ thương mại.

Doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, DN cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay. Thời gian tới lực lượng quản lý thị trường tiếp tục nhận diện nguyên nhân cũng như mức độ và các phương thức, thủ đoạn làm hàng giả phức tạp, tinh vi để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp với từng phương thức khác nhau.

H.Hương-M.Sang