Bộ GTVT: Khởi công xây dựng cầu đường sắt Đuống mới gần 1.850 tỷ đồng
Sáng 22/7, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội đã khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án gồm một cầu đường sắt và một cầu đường bộ với tổng mức đầu tư gần 1.850 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 2 gói thầu
Báo cáo tại lễ khởi công ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng).
Theo ông Phương, dự án được chia làm 2 gói thầu bao gồm gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (X-CĐ-01); gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (X-CĐ-02), được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang, quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) bao gồm các hạng mục.
Hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.
Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/giờ. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện 9,5m.
Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu. Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng. Phần đường dẫn dài 318m, trong giai đoạn hoàn chỉnh là đường chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
“Dự án được đề ra tiến độ sẽ thực hiện thi công và đảm bảo thời gian hoàn thành vào năm 2025”, ông Phương cho biết.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho biết có 8 cầu bắc qua sông Đuống trong đó cầu Đuống chạy chung đường bộ và đường sắt sẽ được tách riêng thành cầu đường bộ và đường sắt.
Xác định đây là dự án quan trọng, ông Bảo khẳng định, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các quận, ban ngành chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu để khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức phân làn giao thông, góp phần sớm đưa công trình về đích đúng hạn.
“Công trình này còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”, ông Bảo nhìn nhận.
Tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên sông Đuống
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng với giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy cũng như của cửa ngõ phía Bắc Thủ đô khi vẫn còn tồn tại cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt luôn tiềm ẩn ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện khu vực Đông bằng sông Hồng có 3 hành lang vận tải mà điểm nghẽn nhất là cầu Đuống khi mùa nước dâng chỉ còn tĩnh không 2,5m khiến tàu thuyền khó qua lại.
Do đó, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy; đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Huy yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khoa học, huy động máy móc và nhân lực, đảm bảo an toàn tuyệt đối đường bộ, đường sắt và đường thủy.
“Ban quản lý dự án Đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan để đảm bảo tiến độ công trình đồng thời đề nghị thành phố Hà Nội và các quận huyện tạo điều kiện tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công”, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.
Được biết, sau khi hoàn thành cầu Đuống mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, hạn chế các vùng nước xoáy.
Hành lang đường thủy số 1 dài 250 km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô, cũng đã được đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, trên hành lang này, hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8 m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Đây là điểm nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy từ các tỉnh phía Bắc đến các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.