Nghề chẻ rau muống vùng ngoại ô
Ngay bên dưới những tòa chung cư lộng lẫy ánh đèn là một xóm trọ nghèo bên rạch Gò Dưa, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TPHCM), người dân nơi đây gắn bó với công việc giản đơn: chuốt chẻ rau muống.
Xóm trọ nghèo
Gắn bó nhiều năm với nghề chẻ rau muống, ông Nguyễn Văn Thuận, 62 tuổi quê ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: Mỗi ngày ông đều chạy xe đi xuống Hóc Môn, Củ Chi lấy rau về cho vợ và con gái nhặt lá. Sau đó, rau tiếp tục được sơ chế bằng cách chẻ nhỏ để bỏ cho các quán ăn, nhà hàng gần đó. “Trước kia khu vực này có nhiều người trồng rau muống nên tôi không phải đi xa lấy hàng. Thậm chí mùa mưa, rau tự mọc trên rạch, những ruộng đầm bỏ hoang cũng nhiều lắm, chỉ lội hái những đọt non thôi cũng đủ rồi. Nhưng khoảng chục năm nay, người ta xây chung cư, nhà đô thị kín hết cả rồi, rạch Gò Dưa này cũng cứ bị thu hẹp đi, rau muống không sống nổi, chỉ còn lại bèo tây mọc kín”, ông Thuận cho biết.
Với khoảng 10 năm làm nghề chuốt và chẻ rau muống, ông Thuận bảo công việc này cũng không quá vất vả nhưng thu nhập thấp. “Tôi mua từ ruộng và bán cho quán ăn nhưng mỗi ký rau muống chẻ cũng chỉ lời chừng gần 10 ngàn đồng thôi. Mà cũng phải làm tỉ mỉ lắm. Không phải chỉ chuốt lá rau xong là xong đâu. Phải chẻ nhỏ để cho người ta ăn được nữa chứ. Rau muống chẻ thường để trụng nước ăn nên phải chẻ mỏng và không được để lại phần cuống quá cứng. Vợ chồng tôi làm nghề này mấy chục năm, những nơi lấy hàng họ biết mình làm tử tế nên cũng an tâm”, ông Thuận chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề chuốt chẻ rau muống ở đây bắt đầu hình thành khoảng 20 năm trước. Khi ấy vùng này còn rất hoang sơ với nhiều ruộng trũng thấp ven rạch Gò Dưa bỏ hoang hóa, rau mọc nhiều. Mùa mưa, rau muống mọc tràn lan trên mặt kênh, được người dân chọn những ngọn tươi tốt, non mềm hái rồi chuốt bỏ phần lá, chỉ lấy phần ngọn. Sau đó rau muống được chẻ nhỏ thành những sợi dài và mềm, sử dụng trong hầu hết các bữa ăn hàng ngày và hàng quán, từ bình dân cho tới cao cấp. Đó cũng chính là lúc công việc của những người làm nghề chuốt chẻ rau muống nhiều hơn, và có thu nhập hơn. Tuy nhiên, những ngày ấy không kéo dài lâu bởi tốc độ đô thị hóa của vùng đất Thủ Đức nhanh chóng mặt, với hàng loạt chung cư và khu nhà đô thị mới mọc lên ven bờ rạch Gò Dưa. Lúc này, những người chuốt chẻ rau muống phải đi mua nguyên liệu để làm nghề, thay vì có thể bỏ công sức lấy rau từ vùng mặt nước hoang (hoặc tự trồng) như trước. Tất nhiên, thu nhập của họ cũng bị kéo giảm rất nhiều.
Những mảnh đời nương náu
Thực tế công việc chuốt chẻ rau muống khá đơn giản và phổ biến, gần như ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, công việc đơn sơ ấy đã mang lại cuộc sống cho nhiều người. Theo lời kể của bà Trần Thị Minh (61 tuổi), hơn 15 năm trước vì cuộc sống quê nhà dưới Kiên Giang quá khó khăn, bà dắt cậu con trai lên TPHCM kiếm sống. Do có người quen ở gần rạch Gò Dưa nên bà cùng con tới đây thuê trọ. “Ban đầu tôi xin làm phụ quán ăn nhưng hay phải về muộn nên tôi chuyển qua bán vé số. Rồi có bận hai mẹ con đi bán bên Gò Vấp bị một xe máy chạy ẩu quẹt phải, trật chân. Đang trong lúc không biết làm gì thì tôi nhớ đã thấy người ta chuốt chẻ rau muống ở gần xóm thuê trọ. Thế là hai mẹ con qua đây mướn nhà, xin làm theo. Ở đây toàn dân miền Tây cả, tuy nghèo nhưng ai cũng dễ. Công việc tuy vất vả nhưng không phải đi nhiều ngoài đường nên chân cũng đỡ đau. Hàng ngày tôi chuốt chẻ rau để con trai chạy xe gắn máy đi bỏ cho mấy quán ăn bên đường ray xe lửa. Khu đó cũng khá xa vì mấy nơi gần họ có mối hàng trước rồi. Nhưng ở thành phố này làm công việc gì mà chịu khó thì cũng sống được. Cách đây 2 năm, con trai tôi lập ra gia đình rồi mua được căn nhà nhỏ bên phía Củ Chi nhưng vẫn tiếp tục làm nghề bỏ rau muống bào chẻ này. Ngày nào nó cũng ghé đây lấy rau”, bà Minh kể.
Cũng theo bà Minh, do tình trạng một số nơi có sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để ngâm rau muống, làm cho rau có thể tươi lâu hơn diễn ra khó kiểm soát nên nhiều hộ dân làm nghề nhặt rau muống ở đây cũng bị ảnh hưởng. “Nhiều mối nhận rau muống nhưng họ yêu cầu chỉ nhặt lá thôi, không phải chẻ nhỏ ra nữa vì sợ ngâm hóa chất. Tất nhiên như vậy thì tiền công sẽ giảm đi nhiều, nhưng khách yêu cầu sao thì mình làm vậy thôi. Khi đó mua rau muống về, chỉ cần nhặt lá, bó lại cho khách thôi”, bà nói.
Để có được loại rau muống chẻ ngon và mềm, những người làm nghề này phải chọn loại rau muống nước, thường hái lúc sáng sớm vì qua một đêm rau non hơn. “Vào những tháng sau tết thời tiết nắng nóng, rau muống nước khan hiếm nên phải đi xa hơn để lấy hàng. Rau càng tươi non thì sản phẩm càng mềm ngon. Làm nghề này khách mua hàng không biết tên tuổi, không biết địa chỉ nhưng họ tin nên nhiều năm vẫn lấy hàng là vì chất lượng rau muống. Nếu không đảm bảo chất lượng thì cũng chẳng ai lấy hàng nữa”, bà cho biết.
Mặc dù rau muống bào chẻ là thực phẩm phổ biến của hàng triệu cư dân TPHCM nhưng ở khu vực này chỉ có khoảng hơn hai chục người làm nghề. Ngoài những người gắn bó lâu năm với nghề, nơi đây còn có một số người làm bào chẻ rau muống thuê. Do khu vực này nằm giáp ranh với quận 12, Củ Chi và cũng còn một số khu đất bỏ hoang ven kênh nên một số thương lái mua rau muống nơi khác chở tới, thuê thợ chuốt lá, bào rau rồi đem đi bán. Những người chuốt bào thuê hầu hết là người già, lớn tuổi và làm công nhật, cuối ngày lấy tiền. Họ được trả tiền công theo sản phẩm với giá khoảng 3.000 đồng/kg rau chuốt lá và 5.000 đồng cho loại rau muống chẻ. Mỗi ngày một người làm nhiều nhất chỉ được khoảng 30 kg thành phẩm. Vậy nhưng, với những cư dân ở đây, đó cũng là nguồn thu nhập đủ để họ hài lòng khi sống nương náu nơi ngoại ô của một thành phố lớn.