Xanh hóa ngành dệt may
Đi quá nửa chặng đường của năm 2023, các doanh nghiệp (DN) ngành may mặc vẫn chưa hết khó. Đứng trước những rào cản, thách thức đòi hỏi các DN ngành may mặc cần phải có những kế hoạch để thay đổi, thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng để có thể bứt phá là phải số hóa và xanh hóa quy trình sản xuất.
Chưa hết khó
Theo thông tin của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nửa đầu năm 2023, những con số hiện hữu cho thấy, ngành dệt may đã và đang phải trải qua giai đoạn khó khăn và có thể vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thử thách trong thời gian tới.
Theo đó, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%). Ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD, cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...
Có thể thấy, những con số nói trên đã và đang tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức của ngành dệt may nước nhà.
Nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra nhận định, bức tranh của ngành dệt may vẫn còn nhiều gam màu xám khi liên tiếp đối diện với tình trạng thiếu hụt đơn hàng kể từ cuối năm 2022, và đến nay tình trạng đơn hàng nhận về vẫn bập bõm, nhiều DN đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV, trong khi lẽ ra thời điểm này, đơn hàng về các DN dệt may đã khá dồi dào, thậm chí nhiều DN còn có “của ăn của để” cho năm sau.
Nói về những con số sụt giảm của ngành dệt may trong hoạt động xuất khẩu đến các thị trường, Vitas nhận định: “Mức giảm này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1/1/2023). Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. DN khó tiếp cận được các gói hỗ trợ…” .
Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các DN còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường. Theo chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước kia 1 chiếc áo sơ mi là 1,7-1,8 USD nhưng giờ chỉ còn 85-90 cent.
Thay đổi để thích ứng
Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19. Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Đó là những rào cản trước mắt đối với các DN trong ngành dệt may.
Đứng trước những rào cản, thách thức đòi hỏi các DN ngành may mặc cần phải có những kế hoạch để thay đổi, thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đặc biệt là đáp ứng những quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng để có thể bứt phá thời gian tới, là phải số hóa và xanh hóa quy trình sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, sự hỗ trợ của số hóa đã giải quyết hiệu quả vấn đề xanh hóa của ngành dệt may như nâng cao hiệu suất, giảm giá thành sản xuất, tập hợp và minh bạch hóa dữ liệu quản lý. Các DN cần phải nắm bắt cơ hội mới về chuyển đổi số, xây dựng liên kết chuỗi với sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, định hình thông minh cho phát triển xanh hóa.
Về vấn đề “xanh hóa” của ngành dệt may, không phủ nhận, thời gian qua, các DN may cũng đã rất nỗ lực với quá trình này. Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, Chính phủ đã cam kết tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà nhập khẩu, những thương hiệu thời trang hàng đầu của châu Âu là các đơn vị tiên phong cam kết về phát triển bền vững, sản xuất xanh và các sản phẩm xanh; tiếp theo đó có thể là Mỹ và Nhật Bản… Do đó, xanh hóa trong hoạt động sản xuất là yếu tố mang tính chiến lược, không chỉ đối với May 10 mà với cả ngành dệt may Việt Nam.
"Chi phí đầu tư có thể lớn, nguồn nhân lực cũng phải qua đào tạo liên tục để có thể tiếp cận với sản xuất xanh… Xanh hóa là một trong những yếu tố mà dù muốn hay không vẫn là điều bắt buộc trong xu thế của tương lai" - ông Việt nói.
Cũng khẳng định vai trò quan trọng của sản xuất xanh, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chỉ rõ, rất nhiều hãng sản xuất quốc tế đã trình diễn các công nghệ tái chế sản phẩm từ các sản phẩm dệt may, từ quần áo. Và DN Việt Nam đương nhiên phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo. Theo ông Hiếu, đây là yếu tố quan trọng để DN của ta có thể nâng chất, nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của DN.
Vitas khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối DN với DN, DN với nhãn hàng, DN với Chính phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực…