Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học: “Chiến thuật” tránh rủi ro
Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023, tính đến ngày 23/7, thí sinh còn 7 ngày nữa để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh cần có “chiến thuật” để sắp xếp các nguyện vọng sao cho hợp lý, tránh những rủi ro.
Tính toán dựa trên phổ điểm
Dựa vào phổ điểm do Bộ GDĐT công bố ngay sau khi có điểm thi, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay sẽ giảm, hiếm ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên; điểm chuẩn khối D79 có môn Giáo dục công dân sẽ tăng.
Theo GS. TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội): Phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn. Điều này rất tốt, không gây nên sự xáo trộn lớn đối với các thí sinh và phụ huynh, cũng như công tác xét tuyển vào đại học.
Cụ thể, có thể thấy một số điểm nhấn trong năm nay như sau: Môn Toán, nếu như năm ngoái tỉ lệ đạt điểm 8 trở lên chiếm 21% thì năm nay có sự điều chỉnh và phân hóa tốt hơn, chỉ chiếm hơn 15%; Môn Ngữ văn, nếu theo tỷ lệ thống kê điểm giỏi năm ngoái là 42%, tính từ điểm 7 trở lên thì năm nay tỷ lệ này chiếm 46% - có nhích hơn so với năm ngoái; Môn Tiếng Anh, năm 2022 tỷ lệ điểm giỏi là 11,9%. Năm nay, tỷ lệ này chiếm 15,03%; Môn Lịch sử, năm ngoái tỉ lệ điểm giỏi, điểm 8 trở lên của môn Lịch sử là 18%, năm nay chỉ còn 13%; Về môn Giáo dục Công dân, năm ngoái số điểm giỏi chiếm 61,85% thì năm nay chiếm 61%. Như vậy, mặc dù có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái, nhưng thực tế thí sinh đạt điểm 8 trở lên môn Giáo dục công dân lại giảm hơn năm ngoái và cơ bản ổn định ở mức 61%;...
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công thương TPHCM, so sánh với năm 2022 điểm trung bình của các môn năm nay thấp hơn khoảng 0,4 điểm, trừ môn Tiếng Anh và Ngữ văn cao hơn năm ngoái 0,3 điểm. Với khối chủ đạo xét tuyển đại học, số thí sinh đạt 29 - 30 điểm sẽ ít hơn năm ngoái, còn mức điểm từ 15 trở lên sẽ tương tự. Từ đó, ông Sơn dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm 2022 khoảng từ 1 - 2 điểm ở các khối A00, A01, D01 và giảm tối đa khoảng 1 - 1,5 điểm ở khối B00, C00.
Việc dựa vào những phân tích về phổ điểm là cách để thí sinh có thể nhìn tổng quát chất lượng điểm thi để dự đoán được điểm chuẩn. Tuy nhiên điểm chuẩn có thể biến động theo yêu cầu riêng của từng trường, từng ngành, vì vậy thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của các năm trước để áng chừng. Điểm chuẩn tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chế độ giảm điểm cộng ưu tiên, chỉ tiêu dành cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT ít hay nhiều... Chẳng hạn trường đó dành rất ít chỉ tiêu cho việc xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn điểm chuẩn xét tuyển cho hình thức này sẽ tăng và ngược lại.
Nắm vững quy chế
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần (công thức tính mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường). Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn. Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Vì thế điểm chuẩn các ngành "hot" khả năng giảm nhẹ vì chính sách cộng điểm mới này.
Nắm chắc được cách tính điểm ưu tiên mới, thí sinh sẽ có thêm cơ sở để đăng ký nguyện vọng 1. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) khuyến cáo, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên bởi thời điểm này này mới là đăng ký nguyện vọng chính thức.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích: Hệ thống giúp thí sinh xác định trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên nhất. Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng - là nguyện vọng mà các em đặt lên cao nhất. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4... Đây là quy định nên thí sinh phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định đăng ký. Theo đó, các em cần tận dụng thật tốt cơ hội mà chính sách tuyển sinh mang lại để trúng tuyển vào ngành học, trường học yêu thích, phù hợp nhất. Lưu ý, nếu các em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội và muốn trúng tuyển vào đó thì phải đặt nguyện vọng 1.
Tận dụng số nguyện vọng không giới hạn
Với số nguyện vọng không giới hạn đăng ký cho phép thí sinh có rất nhiều cơ hội để có thể trúng tuyển đại học. Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình.
Các bạn học sinh cần cân nhắc thật kỹ, chọn ngành trước sau đó tìm hiểu các trường có đào tạo chuyên ngành đó để dễ có nhiều phương án lựa chọn. PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) khuyến nghị, việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ thông báo, đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Sau đó, tập trung nghiên cứu chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển… Khi lựa chọn được ngành học, trường học yêu thích, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng mà thí sinh yêu thích và mong muốn được trúng tuyển nhất. “Các em có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất - Nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Nhóm thứ hai, vừa sức với mình. Nhóm thứ ba, dưới năng lực cá nhân một chút để đề phòng rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh tư vấn.
Còn theo PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, khi chọn ngành học, thí sinh nên nghe tư vấn từ người thân và người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi việc lựa chọn ngành học, trường học của các em còn mang yếu tố “cảm tính”, chạy theo số đông, nên cần tham khảo ý kiến của mọi người.
Sáng 22/7, tại “Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2023” được tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT (chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023). Trong đó, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đưa lời khuyên, thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên đăng ký thêm một số nguyện vọng khác để tránh rủi ro. Đồng thời, lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.