Tôi chăm chú 'nghe' nhà báo Kim Toàn kể chuyện vượt Trường Sơn
Được nhà báo Kim Toàn gửi tặng cuốn sách mới xuất bản “Hai lần vượt Trường Sơn”, tôi lật giở từng trang đọc một cách chăm chú.
Tôi dùng chữ “nghe” ở tít bài viết này là bởi giọng văn trong cuốn sách của ông cũng thủ thỉ như khi ông nói chuyện hằng ngày, tạo cảm giác như ông đang kể cho bạn đọc nghe về hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của đoàn cán bộ báo chí mang mật danh K94, vượt qua vô vàn gian nguy và tới đích, mà lớn hơn cả, qua đó ông lột tả được ý chí, khí phách anh hùng của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi quen biết nhà báo Kim Toàn từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông là Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, thường lên Hà Nội hợp tác với Ban Biên tập Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam, theo đó, chúng tôi cung cấp cho Báo Hải Phòng những tin tức quốc tế nóng hổi để ông đăng trên tờ báo xuất bản hằng ngày của Thành phố Cảng. Ngay từ hồi đó, ông đã gây ấn tượng với tôi như một nhà báo bậc đàn anh nhiệt huyết, chân tình, có tầm nhìn trong việc xây dựng một tờ báo địa phương phát hành rộng trong cả nước.
Gặp gỡ, làm việc với chúng tôi, nhà báo Kim Toàn thường chú tâm vào những việc ông đang và sẽ làm để nâng cao vị thế cơ quan báo chí của Thành phố Hải Phòng anh hùng đang tham gia công cuộc xây dựng và phát triển thành phố sau chiến tranh, mà không hé lộ gì về việc ông đã từng trải qua những năm tháng chiến đấu - làm báo gian khổ tại chiến trường miền Nam. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà có thể cả nhiều nhà báo trẻ ở cơ quan Thông tấn xã khi đó đều không biết ông Kim Toàn - nhà báo Cao Kim - từ năm 1965 đã đi B làm Báo Giải Phóng, từng lăn lộn gần 10 năm, vào sống ra chết trên chiến trường Nam Bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định, cùng các đồng nghiệp anh dũng sống và chiến đấu, góp một phần vào chiến thắng trọn vẹn của toàn dân tộc - thắng Mỹ.
Mãi đến những năm gần đây, được đọc những cuốn “Viết trong lửa đạn”, “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc”, “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” của ông, tôi tự trách mình là tại sao trước đó không biết nhiều hơn về ông - nhà báo - chiến sĩ lão làng này. Đọc những tác phẩm viết về thời chiến tranh của nhà báo Kim Toàn dưới dạng ghi chép, bút ký, tôi như được sống lại những năm tháng hào hùng hơn 60 năm về trước, “chứng kiến” những chiến sĩ - người lính, nhà báo, nhà văn, nam thanh, nữ tú rầm rập lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để có hòa bình ngày hôm nay.
Người Mỹ có thể đã không hiểu lịch sử anh hùng, khí phách quật cường của con người Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vũ khí hiện đại, bom đạn của một đế quốc hùng mạnh không thể khuất phục được con người Việt Nam mưu trí, dũng cảm, dẻo dai, có ý chí sắt đá, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước. Chuyến vượt Trường Sơn trong hơn 4 tháng ròng rã đi bộ, sống sót sau những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù, những trận phá vây, thoát hiểm, thoát chết trong gang tấc… chỉ là mảnh ghép nhỏ trong câu chuyện lớn của dân tộc Việt Nam. Vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng trong ghi chép của nhà báo Kim Toàn, chúng ta không hề thấy những sự chần chừ của những người trong cuộc, mà tìm thấy trong đó những biểu tượng kiên cường của những người lính, những nhà báo - chiến sĩ cách mạng trẻ trung, nhiệt huyết. Chúng ta cũng không tìm thấy trong đó những câu chữ, những biểu đạt “lên gân, lên cốt” để mô tả cách mà ông và đồng đội đã vượt qua những khó khăn, thử thách trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Đọng lại trong sâu lắng là lời kể của nhà báo lúc dồn dập, lúc bình thản về những tình huống hiểm nguy, những suy nghĩ tỉnh táo, những hành động táo bạo họ đã thể hiện trong những ngày tháng vượt Trường Sơn.
Những ghi chép chiến trường của ông rất chân thực, sinh động và sống động với những người thật, việc thật, cụ thể. Việc ông cho in lại những trang ghi chép dọc đường hành quân, những bức ảnh chụp ông tác nghiệp trên chiến trường là thuộc về tính cách cẩn thận của ông, theo phương thức tác nghiệp của một nhà báo chuyên nghiệp, để minh chứng bằng hình ảnh rằng tất cả những gì mình viết, mình kể đều là sự thật. Tài liệu, tư liệu chuẩn bị cho cuốn sách được tác giả tập hợp, như chính ông nói, “tìm kiếm rất công phu, không khác gì tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”.
Sách của ông được ấn hành có đủ độ lùi về thời gian, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản) và tác giả chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi cho ra mắt bạn đọc, nên rất thuyết phục. Và theo tiết lộ của Tiến sĩ Phạm Thi Trâm, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quốc gia Hà Nội, thì từ cuối năm 2020, nhà báo Kim Toàn đã gửi bản thảo cuốn “Hai lần vượt Trường Sơn”, khi bà Trâm còn chưa nghỉ hưu, và mãi đến giữa năm 2023, sách mới hoàn chỉnh và ra mắt bạn đọc.
Đọc các trang viết của ông, trong đầu tôi xuất hiện một câu hỏi rằng liệu tôi có thể làm được như ông trước những thử thách cam go, lội suối, băng rừng dưới mưa bom, bão đạn, lúc đói, lúc khát, bệnh tật? Có lúc tôi rùng mình, rơi nước mắt trước những con chữ như nhảy múa của ông, nghĩ rằng có lẽ mình không thể vượt qua nổi. Nhưng rồi tĩnh tâm lại, tôi nghĩ, đây chỉ là ý nghĩ bột phát của một ông già đang tuổi 72 như tôi hôm nay thôi, chứ hồi trai trẻ như ông, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với trách nhiệm của người làm báo cách mạng, chắc chắn tôi cũng làm được như bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những Cao Kim, Thế Phiệt, Lê Thế Thành, Đặng Văn Nhưng, Phạm Ngọc Thành và cả nữ phóng viên Sáu Mai (Trương Thị Mai) sức vóc mảnh mai, vẫn hoàn thành nhiệm vụ, dẻo dai theo sát đoàn K94 vượt Trường Sơn và đi đến đích bất chấp hiểm nguy, thì sao tôi lại không? Họ đã và sẽ mãi mãi là những tấm gương khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi, cho những thế hệ trẻ mai sau.
Tiếp tục mạch suy nghĩ này, có lần tôi đã nói với nhà báo Kim Toàn rằng những cuốn sách viết về chiến tranh như của ông sẽ là chiếc cầu nối thế hệ. Chiến tranh đã qua lâu rồi, các thể hệ trẻ ngày nay có thể không hình dung nổi những gì thể hệ cha anh đi trước đã nếm trải, nhưng các cuốn sách của những người trong cuộc sẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, là nguồn khích lệ thế hệ trẻ thêm nghị lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi còn kể với ông một biểu hiện rất đáng ghi nhận của thế hệ trẻ trong dịp tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013. Tôi nói, đã từng có những suy nghĩ cho rằng thế hệ trẻ ngày nay có những mối quan tâm khác, suy nghĩ, hành động khác, ít quan tâm đến chính trị, đến thời cuộc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Vào ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất (4-10-2013) ở tuổi 103, chính nhóm thanh niên trẻ là những người đầu tiên có những hành động tưởng niệm thần tượng của mình bằng cách thắp 103 cây nến, xếp 103 bông hoa hồng thành hình trái tim trước ngôi nhà của Đại tướng ở số 30 phố Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Và cũng là các em, các cháu thanh niên đã tình nguyện đưa những chai nước, những ổ bánh mì tiếp tế cho đoàn người dân xếp hàng dài dưới nắng nóng trên các tuyến phố Hà Nội chờ vào viếng Đại tướng. Đó là cách biểu hiện tình cảm của tuổi trẻ, là sự tri ân tự đáy lòng đối với bậc tiền bối đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước.
Trong một cuộc chia sẻ gần đây với nhà báo Kim Toàn, tôi đã nêu câu hỏi tại sao đến thời gian gần đây, tức là hơn nửa thế kỷ trôi qua ông mới viết sách, “công bố” những ghi chép của mình về khoảng thời gian ông đi B, làm Báo Giải Phóng. Cũng như mọi khi, ông vẫn nhỏ nhẹ, khiêm nhường như thường ngày, tâm sự: “Bây giờ có độ lùi thời gian để chiêm nghiệm, mình mới dành thời gian để viết, để thông tin cả về những gì trước đây chưa công khai được. Đã ở tuổi 84, sức khỏe kém trước rất nhiều, mình viết là để tri ân những đồng nghiệp, đồng đội, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc”. Thế là rõ. Nghe những lời ông tâm sự, cách ông nói, tôi cảm nhận, mà thực tế đúng như vậy. Ông không viết cho riêng mình, về mình, người đã dành trọn tuổi thanh xuân cho cuộc chiến giải phóng miền Nam, mà viết để tri ân, để nói về sự nghiệp chung, cái chung của đất nước, về những người dám xả thân vì Tổ quốc.
Quả thật, đọc hết từng trang, từng dòng ghi chép của ông, rất chi tiết, cụ thể và sống động, tôi thấy ông đã “hòa” vào một tập thể gan dạ, dũng cảm, “hòa” vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc để đi tới đích giải phóng miền Nam như tên của tờ báo mà ông phục vụ: Báo Giải Phóng. Xuất phát từ Hà Nội ngày 16-3-1966, hành quân ra trận, chủ yếu là đi bộ hơn 4 tháng trời, hết leo núi cao lại qua vực sâu, hết băng rừng lại lội suối…, xuyên suốt dãy Trường Sơn, đến ngày 27-7-1966 đoàn K94 của ông mới tới đích để nhận nhiệm vụ mới, “nơi cuộc chiến đang tiếp diễn ngày càng ác liệt và gian khổ hơn nhiều”, như ông mô tả trong các cuốn sách “Viết trong lửa đạn”, "Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc”, xuất bản mấy năm trước. Chàng trai Kim Toàn lúc đó ở tuổi 26, để lại mẹ già, người vợ trẻ cùng con nhỏ ở hậu phương, nhẹ nhàng khoác ba lô lên vai, bí mật vào chiến trường, đầy nhiệt huyết.
Không rõ nhà báo Kim Toàn còn có ý định viết tiếp đề tài chiến tranh, tiếp tục công bố những tư liệu, tài liệu quý mà ông đã công phu ghi chép, cất giữ và sưu tầm hơn 50 năm qua? Những cuốn sách ông đã xuất bản là nguồn tư liệu quý báu về mảng đóng góp của giới báo chí trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những ghi chép của ông là một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể về chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thế kỷ 20 mà cho đến nay những người làm nghệ thuật vẫn khắc khoải mong chờ một tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, dù là một bộ phim hay một tác phẩm văn học.
Nhân viết về tác phẩm của nhà báo Kim Toàn, người đã tham gia làm Báo Giải Phóng gần 10 năm trong suốt 13 năm hoạt động của Báo thời chiến tranh chống Mỹ, tôi - với tư cách nhà báo đã từng tham gia lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, tha thiết mong muốn Nhà nước có sự vinh danh xứng đáng đối với Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, một tờ báo cách mạng, đầy sức chiến đấu, trực tiếp chống Mỹ - ngụy ngay tại chiến trường, đã trải qua bao gian khổ, mất mát, hy sinh, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong một giai đoạn lịch sử hào hùng suốt từ tháng 12-1964 đến tháng 1-1977. Cùng với binh chủng báo chí cách mạng thời đó như Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải Phóng, Báo Quân Giải phóng…, Báo Giải Phóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử vẻ vang trước khi hợp nhất với Báo Cứu Quốc trở thành Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Thông tấn xã Giải phóng thành lập ngày 12-10-1960, Đài phát thanh Giải phóng thành lập ngày 1-2-1962, nhân dịp 60 năm ngày thành lập của mình đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo tôi, Báo Giải Phóng cũng rất xứng đáng được tặng danh hiệu cao quý đó. Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Báo Giải Phóng ra số đầu (20-12-1964 - 20-12-2024), thiết nghĩ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan chủ quản của Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan thích hợp để xúc tiến việc làm có ý nghĩa tri ân này.