Thời tiết, lương thực và nạn đói

Bảo Thư 24/07/2023 08:00

Ngày 20/7, Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, ngoại trừ gạo đặc sản basmati. Lệnh cấm này dẫn đến việc chỉ 1 ngày sau, ngày 21/7, thị trường lương thực toàn châu Á không có một giao dịch nào để dò xét diễn biến tiếp theo. Các hãng tin lớn trên thế giới đều thông tin và phân tích về sự kiện này. Đáng chú ý, Reuters dẫn nguồn các thương nhân châu Á dự báo sắp tới giá gạo có thể tăng mạnh. Trong khi đó, đài CNN của Mỹ cho rằng giá gạo 5% tấm có thể tăng lên tới 600 USD/tấn - một mức giá cao không tưởng trong lịch sử ngành này.

Nhiều người dân Somalia trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Nguồn: Getty Images.

Reuters dẫn lời một thương nhân Singapore nhận định: "Giá gạo sẽ tiếp tục tăng trên thị trường xuất khẩu. Chúng tôi tin rằng mức tăng tối thiểu khoảng 50 USD/tấn và có thể là 100 USD hoặc thậm chí nhiều hơn. Tại thời điểm này, cả người mua và bán đều tạm ngưng giao dịch để chờ xem giá có thể tăng thêm bao nhiêu".

Còn theo các thương nhân Thái Lan, quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ trùng với thời điểm giá trên thị trường lúa mì toàn cầu tăng mạnh, làm dấy lên mối lo ngại mới về giá lương thực tăng cao. Chính vì vậy, các thương nhân kinh doanh gạo đang "án binh bất động". Cụ thể, tuần qua, giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 10%. Đây là mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn 16 tháng qua.

Hiện Ấn Độ chiếm 40% nguồn cung gạo toàn thế giới. Việc nước này ra lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo là nhằm để giảm giá nội địa vốn đã tăng lên mức cao nhất trong vài năm gần đây. Đặc biệt năm nay khí hậu cực đoan, thời tiết thất thường đã đe dọa đến sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ - đất nước đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới (1 tỉ 421 triệu người, tính đến ngày 23/7/2023).

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người và gần 90% cây lúa vốn sử dụng nhiều nước được sản xuất ở châu Á, nơi mà kiểu thời tiết El Nino khô hạn có khả năng hạn chế nguồn cung. Như vậy, năm nay có thể coi là “năm mất mùa” gạo, lúa mì trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi đó, thông tin từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, thế giới có 828 triệu người đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm.

An ninh lương thực đã trở thành mối lo chung của nhân loại. Biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng lên dẫn đến sự cực đoan của thời tiết khiến cho mùa vụ thất bát. Dù nỗ lực đến đâu đi nữa thì cũng không thể ngay tức thì trả lại bầu khí quyển trong lành, và như thế áp lực khủng hoảng lương thực vẫn gia tăng. Vấn đề ở đây là trước mắt nhân loại hãy cùng san sẻ cho những quốc gia thiếu lương thực trầm trọng. Nơi có nhiều người yếu thế chỉ được ăn ngày một bữa...

Bảo Thư