Thái Lan trước ngày bầu Thủ tướng

Thanh Đức 24/07/2023 07:00

Những ngày này chính trường Thái Lan vô cùng sôi động khi Tổng Thư ký đảng Tiến lên (MFP) Chaithawat Tulathon tuyên bố MFP đã quyết định rút lui, nhường đường cho đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) lập chính phủ mới.

3 gương mặt dự kiến trở thành ứng viên mới chức Thủ tướng Thái Lan (Từ trái sang: Ông Srettha Thavisin; bà Paetongtarn Shinawatra; ông Prawit Wongsuwan).

Ông Chaithawat nói rằng, dù MFP và Pheu Thai lần lượt giành được vị trí thứ nhất và thứ hai về số lượng nghị sĩ trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan ngày 14/5, mà kết quả của nó được cho là “ngỡ ngàng” nhưng có rất nhiều nỗ lực ngăn cản MFP thành lập chính phủ.

Tới nay, việc thành lập Chính phủ mới ở Thái Lan được đánh dấu bằng 4 dấu mốc quan trọng.

Thứ nhất, cuộc bầu cử ngày 14/5 khi MFP giành chiến thắng và sau đó bắt tay với 7 đảng khác, trong đó có cả Pheu Thai để thành lập chính phủ liên minh.

Thứ hai, Liên minh do MFP dẫn đầu nắm giữ 312 ghế trong Hạ viện 500 ghế của Thái Lan nhưng đã không thể giúp ông Pita Limjaroenrat (42 tuổi) trở thành Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu của lưỡng viện Quốc hội ngày 13/7: ông Pita chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ, với 13 phiếu từ 249 thượng nghị sĩ, cách xa so với mức tối thiểu là 375 phiếu để đắc cử thủ tướng.

Thứ ba, đến ngày 19/7, ông Pita tiếp tục được liên minh đề cử làm Thủ tướng, nhưng Quốc hội lưỡng viện của Thái Lan đã không chấp nhận việc đề cử này.

Thứ tư, ngày 21/7, MFP cho hay với việc ông Pita đã 2 lần bị chặn không được chọn làm Thủ tướng thì cơ hội được trao lại cho đảng Pheu Thai.

Vậy, kết quả bỏ phiếu bầu chọn Thủ tướng mới của Thái lan sẽ ra sao vào ngày 27/7 tới khi ông Pita đã buộc phải rời bỏ cuộc đua?

Theo tờ Bangkok Post, cánh cửa để trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan đã khép lại với ông Pita khi mà ngày 19/7 Tòa án Hiến pháp nước này đã tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita tại Hạ viện với cáo buộc ông này đã vi phạm quy định trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14/5 vì nắm giữ cổ phần tại một công ty truyền thông hiện đã giải thể.

Ngay sau khi ông Pita bị loại, Pheu Thai (đảng có liên hệ với gia tộc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra) đã lên kế hoạch thành lập một liên minh mới với dự định đưa các đảng trong Chính phủ hiện nay vào liên minh mới, nhằm giành được sự ủng hộ của Thượng viện do phe quân sự được Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha chỉ định trước đó.

Như vậy, cơ hội thành lập Chính phủ mới cũng như nắm ghế Thủ tướng đã đến với đảng Pheu Thai.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đó bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin và là 1 trong 3 ứng viên Thủ tướng của Pheu Thai nói, đảng sẽ đề cử ông Srettha (60 tuổi) - một doanh nhân thành đạt, được coi là “trùm bất động sản” làm Thủ tướng mới. Trong khi đó, ngày 22/7, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Matha cho biết lưỡng viện sẽ bỏ phiếu bầu Thủ tướng lần hai vào tuần này, có thể là vào ngày 27/7. Khi đó, các đảng sẽ đề cử ứng viên Thủ tướng của mình, sau đó tới phiên tranh luận về tư cách của những người được đề cử. Quá trình này phải hoàn tất trước 17 giờ cùng ngày 27/7 và sau đó sẽ là cuộc bỏ phiếu. Ứng viên chỉ giành chiến thắng khi nhận được hơn 375 phiếu bầu từ các nghị sĩ. Trước đó, ông Pita chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ.

Tới thời điểm này, sau khi cơ hội tranh cử của ông Pita đã khép lại, một số ứng viên mới được đánh giá có tiềm năng cho vị trí tân Thủ tướng Thái Lan, bao gồm: ông Thavisin (đảng Pheu Thái); Srettha (đảng Pheu Thái); con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Paetongtarn Shinawatra (cũng thuộc đảng Pheu Thái) và ông Prawit Wongsuwan - đại diện của đảng Palang Pracharath.

Ông Prawit là cựu chỉ huy quân đội trung thành với hoàng gia Thái Lan, là người nhiều ảnh hưởng hoạt động hậu trường cũng như trong giới thượng lưu có liên hệ với Hoàng gia và quân đội Thái lan. Ông Prawit (77 tuổi), giữ chức Phó Thủ tướng Thái Lan từ năm 2019 và là một người thân cận với đương kim Thủ tướng Prayut. Cũng như ông Prayut, ông Prawit là cựu chỉ huy quân đội vô cùng trung thành với hoàng gia.

Ông Prawit và ông Prayut cùng trưởng thành trong quân đội Thái Lan. Ông Prawit trở thành người đứng đầu lực lượng vũ trang từ năm 2004 đến năm 2005, và sau khi nghỉ hưu là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan giai đoạn 2008-2011.

Giới quan sát chính trị Thái Lan cho rằng, hiện cơ hội đang “chia đều” cho những gương mặt được cho là ứng viên trong ngày 27/7 tới khi Quốc hội Thái Lan nhóm họp bầu chọn tân Thủ tướng. Theo đó, nhà tài phiệt Srettha; "công chúa" nhà Shinawatra hoặc lãnh đạo đảng thân quân đội Prawit có thể là những ứng viên mới cho ghế Thủ tướng Thái Lan.

Ông Srettha Thavisin (60 tuổi), là một tài phiệt bất động sản. Ông có thể giành được 151 phiếu trong Quốc hội, tuy nhiên ông lại không được ủng hộ mạnh mẽ trong đảng Pheu Thái. Trong khi đó bà Paetongtarn Shinawatra (36 tuổi), con thứ ba của Thủ tướng lưu vong Thaksin lại có uy tín hơn. Còn ông Prawit Wongsuwan (77 tuổi), được biết đến là một nhà điều hành chính trị thầm lặng ở hậu trường, nhận được sự hậu thuẫn rất quan trọng của quân đội Thái Lan. Nếu được giới thiệu vào ghế Thủ tướng, ông Prawit nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn của 250 Thượng nghị sĩ - lợi thế vượt trội so với các ứng viên cùng trong cuộc đua.

Thanh Đức