'Xé rào' cho Thủ đô
Thủ đô Hà Nội được coi là hạt nhân phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ. Điều đó đặt ra đòi hỏi những cơ chế để Hà Nội phát triển. Theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, rất cần cơ chế “xé rào” cho Thủ đô.
PV:Thưa bà, hiện nay dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đang được lấy ý kiến. Theo bà, các quy định trong luật đã thực sự tạo cơ chế để Hà Nội bứt phá tương xứng với kỳ vọng?
PGS.TS Bùi Thị An: Cá nhân tôi thấy đã có một số quy định thể hiện sự ưu ái cho Thủ đô. Tức là nếu các luật đã quy định về vấn đề này rồi nhưng Luật Thủ đô quy định tốt hơn thì phải theo Luật Thủ đô. Tuy nhiên cần có các điều khác ràng buộc đi kèm, nếu không sẽ khó thực hiện.
Đơn cử như vấn đề về môi trường, giáo dục, văn hoá vẫn đều đều, chưa có điểm nhấn và chưa có sự liên kết với nhau. Do đó tôi cho rằng, Luật Thủ đô phải rõ hơn, có tính đặc thù thì Thủ đô mới có thể áp dụng được. Nếu không hiệu quả sẽ không cao. Luật Thủ đô 2012 dù đã đưa vào nhiều chính sách nhưng không rõ tính đặc thù. Vì thế cần trao thêm quyền cho lãnh đạo Thủ đô. Ví dụ vấn đề về tổ chức cán bộ, vấn đề quy hoạch ra sao, được vượt quyền thế nào thì trong luật phải quy định mới tạo được sự vượt trội.
Cho nên lần này sửa đổi Luật Thủ đô phải có những cơ chế khác nữa. Bây giờ đặc biệt có Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, mục tiêu đến năm 2030, đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Cho nên cần phải có các cơ chế khác so với trước đây để Thủ đô trở thành động lực, “đầu tàu”.
Vừa qua, tại phiên họp của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói đến Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ. Có lẽ chúng ta cần luật hoá các cơ chế chính sách, thưa bà?
- Hà Nội không chỉ là hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ mà còn phải là trung tâm văn hiến, hiện đại, văn minh. Do đó Luật Thủ đô sửa đổi phải luật hoá được các chủ trương lớn đó. Nhất là đang ở thời điểm Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu rất cao. Cho nên đặc thù nhưng cũng phải phù hợp, nếu không sẽ khó phát triển.
Một trong những yếu tố đặc thù quan trọng chính là con người. Vậy bà thấy đã có những cơ chế nào để Hà Nội thu hút người tài đến làm việc?
- Trong thu hút người tài, nếu chúng ta cứ áp dụng theo Luật Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức mà không có tính đặc thù, trao quyền cho lãnh đạo thành phố thì sẽ khó đột phá. Cần có cơ chế “xé rào” trong công tác cán bộ, người đứng đầu muốn thu hút người tài về Thủ đô làm việc thì họ phải có quyền. Như vậy mới nhanh được.
Tôi nghĩ đây là vấn đề cần nghiên cứu cụ thể, cho phép và trao quyền, trao trách nhiệm cho lãnh đạo TP Hà Nội. Và họ phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Bởi trong lãnh đạo quản lý phải biết bổ nhiệm nhân sự đúng lúc, đúng thời cơ. Như thế sẽ phát huy được tác dụng. Nếu theo quy trình “chờ lâu quá” thì người tài sẽ chuyển đi. Như vậy là lãng phí nhân tài. Cho nên phải cho Hà Nội “xé rào”, trao quyền gắn với chịu trách nhiệm.
Thưa bà, vấn đề được nhiều người mong mỏi chính là làm sao để phát triển khoa học công nghệ và giáo dục của Thủ đô?
- Ở các địa phương, một lớp có 45 học sinh, mà Thủ đô một lớp có hơn 50 học sinh, chưa kể tình trạng thiếu trường, lớp. Do đó cần “xé rào” cho ngành giáo dục, và phải đi trước một bước. Bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nên cho phép Chủ tịch Hà Nội “xé rào” trong sử dụng đất để làm trường.
Còn khoa học công nghệ cần nhất là con người. Trong trường hợp này cần đào tạo, có chế độ đúng giá trị mà họ bỏ ra. Nhất là về lương, còn vẫn trả lương theo hệ số 2,34 thì người tài không mặn mà để về Hà Nội làm việc. Lương rất quan trọng. Vừa qua các bác sĩ tại các thành phố lớn đã bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư vì mức lương quá thấp. Cho nên phải có cơ chế để giữ họ lại.
Nói ví dụ đó để thấy Luật Thủ đô sửa đổi phải vượt hẳn lên về tất cả các mặt để tạo điều kiện cho Thủ đô bứt phá.
Trân trọng cảm ơn bà!