Doanh nghiệp mong sớm được hoàn thuế
Để có lực phục hồi và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đề nghị tiếp tục được miễn giảm các loại thuế phí, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Chậm hoàn thuế, doanh nghiệp khó chồng khó
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu của năm nay so với các năm trước giảm đáng kể.
DN xuất khẩu gỗ mong muốn, nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các DN ngành gỗ khi số tiền cần hoàn thuế là rất lớn.
Ông Thang Văn Thông - Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết, cây gỗ khi bán đến DN xuất khẩu đã qua nhiều thương lái. Với cách làm của ngành thuế hiện nay, nếu như không tìm được thương lái thì công ty sẽ không được hoàn thuế, trong khi việc mua bán qua nhiều thương lái, nhiều tỉnh thành, nếu kiểm tra từng công ty, từng thương lái thì không biết đến bao giờ các công ty mới được hoàn thuế.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết, hiện vấn đề hoàn thuế GTGT rất khó, cần có cơ chế cho các DN làm dịch vụ xuất nhập khẩu để chi phí xuất nhập hàng giảm xuống.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã yêu cầu đẩy mạnh hoàn thuế cho DN nhưng tiến độ vẫn chậm. Thậm chí còn có tình trạng đá qua đá lại, nơi này chờ nơi kia,… trong khi “sức khỏe” của rất nhiều DN thì không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Trường hợp điển hình về chậm hoàn thuế GTGT là Công ty cổ phần An Phát. Gần 6 tháng kể từ khi cơ quan công an kết luận DN này không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế GTGT, công ty này vẫn phải liên tục làm việc với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Cục Thuế Hà Nội song đến nay vẫn chưa được hoàn thuế.
Không thể trì hoãn việc hoàn thuế
Tại cuộc họp góp ý báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “DN nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra. Đây là nghĩa vụ của Nhà nước, chứ người ta không xin. Quỹ để hoàn thì năm nào Quốc hội cũng bố trí, đấy là tiền của người ta mà trì trệ thế này”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chống gian lận, chống sai sót, nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của DN, nhất là trong bối cảnh DN tiếp cận vốn rất khó khăn, mà tiền của DN lại không hoàn, kéo dài nhiều năm. Nếu đặt mình vào vị trí của DN thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều. Quốc hội cũng đã có nghị quyết và Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “việc hoàn thuế phải làm ngay”.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, về luật định, cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện hoàn thuế đầy đủ, đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc cho DN. Thời gian qua, có một số DN, đặc biệt là trong ngành gỗ và một vài ngành khác đã bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế, từ đó các cơ quan quản lý phải có thời gian kiểm tra, xác định lại, việc này là cần thiết.
Tuy nhiên, luật cũng đã nêu rõ thời gian kiểm tra tối đa, nếu trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời gian thì nhiều nhất là 15-20 ngày chứ không thể kéo cả năm. Việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu. Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại, nếu phát hiện việc gian lận thì DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt, việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của DN.
Cũng theo ông Thịnh, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những DN chấp hành tốt phải chịu thiệt hại. Tổng cục Thuế cần sớm giải quyết, nếu không thì Chính phủ, Quốc hội phải giải quyết để tháo gỡ cho DN.
Dữ liệu mới nhất được Tổng cục Thuế cung cấp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cơ quan thuế đã ban hành 8.510 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 61.093 tỷ đồng, bằng 33% so với kinh phí hoàn thuế Giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt.