Thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn

Khanh Lê 24/07/2023 09:00

Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn là: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Dự báo những tháng cuối năm ngành tôm sẽ phục hồi. Ảnh: Quang Vinh.

Rau củ quả, gạo là “lực kéo”

Dự báo về thị trường xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng nếu các doanh nghiệp (DN) chú trọng chất lượng, cải tiến về mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường. Thực tế 6 tháng đầu năm, rau quả là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất. Trong đó, sầu riêng vươn lên dẫn đầu các nhóm hàng trái cây với kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD năm nay. Dự báo, trong 2 quý cuối năm, gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây cần được tiêu thụ. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Nguyên cho rằng nửa cuối năm nay, xuất khẩu rau quả có thể cán đích sớm 4 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ ngày càng thuận lợi hơn nếu các nhà xuất khẩu đáp ứng tốt yêu cầu thị trường theo hướng thực hành sản xuất tốt (GAP).

Đối với ngành gạo, 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực và theo dự báo của Bộ NN&PTNT, ngành này tiếp tục tăng trưởng do sản lượng sản xuất tại nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm do tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như tăng giá gạo trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ tận dụng tốt cơ hội cũng như các chính sách hỗ trợ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc nửa đầu năm tăng trưởng khá (7,7%), đặc biệt là xuất khẩu gạo và rau quả có sự gia tăng đột biến với mức tương ứng là 34,7% và 64,2%.

"Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn đóng vai trò làm lực kéo. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm" - ông Tiệp cho hay.

Chú trọng khai thác thị trường tiềm năng

Nhận định về cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tiêu dùng của người dân tại thị trường Hoa Kỳ đã phục hồi nhưng còn chậm, trong tháng 5/2023, Hoa Kỳ đã trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, điều đó mở ra những tín hiệu tốt cho nông thủy sản xuất khẩu sang thị trường này. Đáng chú ý, các nhóm hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn như gỗ và thủy sản có thể "đảo chiều" tăng nhẹ vào cuối năm.

Mặc dù bức tranh xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.

Để không bỏ lỡ đà tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nửa cuối năm, Bộ sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối phát triển thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Bộ sẽ tập trung vào việc ký Bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam vào tháng 9 tới, nhân dịp Hội chợ CAEXPO diễn ra tại Quảng Tây; xem xét phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh để tổ chức kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hội chợ này.

Với thị trường Hoa Kỳ, thông qua hệ thống Tham tán nông nghiệp, Tham tán thương mại để kết nối giao thương với các DN logistic, đầu mối phân phối nông sản tại thị trường này với các địa phương, DN sản xuất kinh doanh trong nước.

Với thị trường Nhật Bản, Bộ sẽ xem xét tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây bên lề các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023 tại Tokyo.

Để xuất khẩu rau quả thêm thuận lợi, Bộ NN&PTNT cho biết đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho DN. Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn.

Tăng cường kiểm soát các cơ sở đóng gói xuất khẩu

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại cửa khẩu.

Theo đó, để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, đồng thời để quản lý tốt và hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương: Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Bộ NN&PTNT để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu tuân thủ. Chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh...

L.H

Khanh Lê