Giật mình số người tử vong vì bệnh dại
Đầu tháng 7, đội tình nguyện sinh viên thuộc Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã làm một việc rất ý nghĩa, đó là rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến từng nhà để tiêm ngừa dại chó, mèo giúp người dân.
Đây là một hoạt động trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023. Đội tình nguyện gồm 57 sinh viên, họ tới khắp các xã ở huyện Hóc Môn (TPHCM) tham gia tiêm ngừa dại cho chó, mèo. Trong vòng 2 tuần đầu tháng 7 đã tiêm được trên 18.000 liều.
Tưởng như đây là việc đơn giản, hóa ra không phải vậy. Nhiều sinh viên trong đội tình nguyện cho biết, có những người không chỉ nuôi 1 - 2 con chó mà nuôi hàng chục con rất hung dữ, có thể chạy ra vồ người khác bất cứ lúc nào. Nữ sinh viên Hoàng Thanh Thủy kể: “Mấy con chó dữ lắm. Khi nào chủ của nó giữ được phần đầu thì em mới tiêm được, nếu không nó sẽ vồ cắn mình lúc nào không hay”. Còn ông Nguyễn Văn Luông (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết mỗi năm ông đưa chó đến cơ sở thú y tư nhân để tiêm ngừa, với giá gần 100.000 đồng/mũi. Nhưng nay các bạn trẻ đến tận nhà để tiêm nên ông không cần phải đi đâu xa. “Có hoạt động này người dân an tâm hơn khi thú cưng của mình được bảo vệ cũng như nếu ai không may bị chó cắn, mèo cào thì cũng đỡ lo phần nào” - ông Luông nói.
Nuôi chó mèo là thói quen của nhiều người. Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có 5 triệu hộ nuôi chó mèo với 7,5 triệu con. Thông tin tại một cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 9/2022 cho biết, hàng năm ở nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng. Tính từ năm 2010 đến tháng 9/2022, trung bình mỗi năm cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại. Số người tử vong đều do không tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.
Nguyên nhân dẫn đến việc chó, mèo hóa dại là do thói quen nuôi thả rông và đặc biệt là không tiêm ngừa dại cho vật nuôi. Còn nguy hiểm đến với người bị “chó cắn, mèo cào” là do chủ quan, không đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Chỉ thị cho biết, trong 5 năm qua bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người; trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại và xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Nhân đây cũng cần phải bày tỏ mối lo mới, đó là nhiều người không tiêm vaccine ngừa dại cho “thú cưng” của mình vì lo ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của vật nuôi. Đó là nỗi lo không có căn cứ khoa học. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm, ví dụ nhóm Facebook “nghiện chó mèo” có hơn 357.000 thành viên. Hay fanpage “nghiện mèo” cũng có hơn 330.000 lượt theo dõi.
Chỉ vì nỗi lo vô cớ cho “thú cưng” mà bỏ qua hậu họa rất lớn khi vật nuôi hóa dại cắn người.
Trở lại với đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đến từng nhà để tiêm ngừa dại chó, mèo giúp dân, cho thấy đây là việc làm rất có ý nghĩa. Đó chính là hành động thiết thực góp phần thực hiện Quyết định số 2151/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030”. Mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi; phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.