Bạo lực học đường: Xin đừng đổ lỗi!
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2017 đến 2021, cả nước có 2.624 vụ bạo lực học đường. Còn theo UNESCO, trên toàn cầu, cứ 3 học sinh từ 13-15 tuổi thì có 1 em bị bắt nạt học đường.
Tuy vậy, một bộ phận giáo viên vẫn coi vấn nạn phi giáo dục ấy là do khách quan, đùn đẩy trách nhiệm mà không phải do mình, thậm chí còn đồng tình cách kỷ luật học sinh bằng trừng phạt thân thể các em.
Trước hết đó là do thói quen và nếp nghĩ đã cũ. Có lẽ chính giáo viên hay người trưởng thành khi còn đi học cũng từng nếm trải đôi ba lần bị trừng phạt thân thể hay bạo lực. Nhiều giáo viên trong vai trò phụ huynh của mình, chính họ cũng không ngại thói quen sử dụng trừng phạt thân thể khi nuôi dạy con cái và họ cũng thành thói quen khi hành xử với học sinh trong quá trình giáo dục.
Nhưng cái cũ đã xưa rồi, xã hội văn minh đang thay thế và tiếp tục tiến lên. Trẻ em bây giờ được coi là chủ thể trong giáo dục, có quyền được nhà trường và xã hội bảo vệ để chống lại các hình thức bạo lực thân thể và tinh thần các em. Chấm dứt bạo lực học sinh cũng giống như chúng ta đang làm chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Xin đừng đổ lỗi tại ai. Nhà trường phải xây dựng và tạo ra được các mối quan hệ tích cực thầy trò và để không bao giờ phải dùng bạo lực với các em.
Cùng với đó, là những căng thẳng đến từ giáo viên. Những lý do đổ lỗi như giáo viên có trình độ đào tạo thấp, cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi, lớp học quá đông, cơ sở vật chất thiếu, khó quản lý tốt lớp học… khiến giáo viên mất hết kiên nhẫn, dẫn đến tức giận và phản ứng có tính bản năng, không thích hợp tương ứng với hành vi của học sinh. Tuy nhiên, không có lý do nào để hợp lý hóa trừng phạt thân thể các em hay thậm chí còn coi đây là “phương án cuối cùng” giáo dục học sinh. Việc cấm trừng phạt thân thể học sinh luôn phải là một nghĩa vụ về bảo vệ quyền con người, quyền của trẻ mà nhà trường và xã hội phải thực hiện ngay và nghiêm túc.
Tiếp đó một số quan niệm cho rằng, trừng phạt thân thể học sinh là cần thiết và hiệu quả trong quản lý kỷ luật học đường. Trừng phạt khác với kỷ luật, sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài với trẻ. Học sinh bị trừng phạt thân thể ảnh hưởng tâm lý, bị xấu hổ với bạn bè và ám ảnh theo mãi suốt cuộc đời của mỗi người. Người bị trừng phạt thân thể, có kỷ niệm buồn, khó quên và dai dẳng thủa thiếu thời. Tất cả những chủ đề này đều phải được đề cập trong việc đào tạo giáo viên từ giai đoạn là giáo sinh và tiếp tục được bổ sung trong suốt quá trình giáo dục. Một khi giáo viên được đào tạo tốt với một cách tiếp cận quản lý lớp học hiệu quả, tích cực, thì câu chuyện trẻ bị trừng phạt thân thể vì không làm bài tập hay vi phạm nội quy nhà trường sẽ được nhìn nhận là nghiêm trọng và dã man.
Sự thiếu công bằng của một số giáo viên với học sinh, sự phân biệt đối xử với các em, đã làm học sinh coi thường giáo viên, mất niềm tin vào bài dạy đạo đức mà nhà trường giáo dục. Giáo dục không vì mỗi đứa trẻ nên thường đồng loạt và dạy học theo cách một giáo án, kiểu đồng phục cho mọi học sinh. Dẫn đến học sinh thấy không phù hợp, mất hứng thú bài dạy của giáo viên, cuối cùng thầy và trò không bảo được nhau và gây ra xung đột, xung khắc.
Nhiều công trình khoa học nghiên cứu về giáo dục và về tâm lý học đường, tâm lý xã hội đều thống nhất rằng, chỉ có xây dựng được mối quan hệ thầy trò thân thương và hiểu biết nhau mới không có bạo lực học đường, mới mang lại mỗi ngày đến trường là một ngày vui và đi cùng 365 ngày hạnh phúc của cả thầy và trò. Người ta nói, trái tim của giáo dục, của nhà trường là mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò. Khi ấy, thầy hiểu trò, thương trò, mong muốn trò được học tập tốt nhất và nỗ lực giúp trò phát triển hết năng lực cá nhân lành mạnh, riêng biệt vốn có của mình.