Quyết liệt xử lý nhà thầu yếu kém
Dưới sự giám sát của HĐND TPHCM, cùng sự vào cuộc của TP Thủ Đức và các quận, huyện, TPHCM cho thấy quyết tâm rất cao để “phá băng” hơn 300 dự án thi công ì ạch đã kéo dài qua nhiều thập niên, nhiều nhà thầu không đảm bảo năng lực sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (Thủ Đức, TPHCM) với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, là công trình quan trọng trên trục giao thông phía Đông TPHCM nhằm giải tỏa áp lực kẹt xe cho cảng Cát Lái. Cảng này vốn đóng vai trò quan trọng của tuyến giao thông huyết mạch từ TP Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) lưu thông vào khu vực các quận trung tâm của TPHCM. Hơn nữa, đây còn là tuyến dịch vụ logistics quan trọng của thành phố đối với các cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu, kết nối với Khu Công nghệ cao TPHCM.
Dù vậy, kể từ năm 2019 khi Công ty CP Lạc An được chọn là nhà thầu chính thực hiện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, chiều dài dự án khoảng gần 3km nhưng đến nay vẫn dang dở.
Mới đây, vào cuộc thanh tra toàn diện dự án, nhà thầu được phát hiện đã tạm ngừng thi công từ tháng 6/2022. Với thực trạng này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đã kiến nghị UBND TPHCM hình thức xử lý. UBND TPHCM đã đồng ý phương án chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu là công ty CP Lạc An.
Không chỉ tại dự án hạ tầng giao thông của TP Thủ Đức, qua rà soát và kiểm tra tại nhiều quận, huyện, Sở GTVT TPHCM cũng đã đề xuất xử lý hình thức chấm dứt hợp đồng đối với nhiều nhà thầu do tình trạng “ngâm” quá lâu việc thi công dự án. Điển hình, một loạt nhà thầu thi công yếu kém làm chậm tiến độ công trình xây kè chống sạt lở cho kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) sẽ bị xem xét, chấm dứt hợp đồng chậm nhất đến tháng 8/2023.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM, các nhà thầu kể trên được hợp đồng thực hiện tại 3 dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, với tổng chiều dài khoảng 9,5km, tổng kinh phí gần 1.345 tỷ đồng. Khi kiểm tra, các nhà thầu thi công chậm, không tiến triển, chủ đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu này kèm biện pháp xử phạt hành chính. Song song đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM cũng sẽ tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới đảm bảo năng lực cho dự án.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn (có hiệu lực từ tháng 6/2023). Ngoài nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn, Tổ công tác cũng rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai để có hướng xử lý các đơn vị nhà thầu yếu kém, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Cùng với quyết tâm của chính quyền thành phố, HĐND TPHCM tham gia trực tiếp giám sát đối với hơn 300 dự án “treo” trên địa bàn, nhất là tập trung vào giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TPHCM.
Như vậy, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị đôn đốc, giám sát chặt chẽ từ nhà thầu, chủ đầu tư đến chức năng quản lý dự án của các cấp, ban, ngành, đã cho thấy quyết tâm rất lớn của TPHCM để phá băng tình trạng dự án “treo” vốn nhức nhối và gây bức xúc dư luận, cử tri trong một thời gian dài.