Định hướng cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt
Ngày 24/7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban Ban chỉ đạo (BCĐ) 6 tháng đầu năm 2023, triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023. Trưởng BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, BCĐ các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Các ngành, các thành viên BCĐ cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế.
Khi thực hiện CVĐ, thành phố Hà Nội và các đơn vị thành viên BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt nhằm giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP, trở thành điểm nhấn trong thực hiện CVĐ trên địa bàn thành phố. BCĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giúp người dân Thủ đô tiếp cận nhiều sản phẩm các vùng miền, có chất lượng.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai cho biết, với đặc thù là huyện ngoại thành, hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên ngay từ đầu năm 2023, huyện Thanh Oai đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn chung ở trong nước và thế giới, BCĐ CVĐ huyện xác định công tác tuyên truyền chính là mũi nhọn để bà con sử dụng hàng Việt Nam. Nhờ tuyên truyền tốt, đến nay hơn 90% bà con trong huyện sử dụng và tin dùng hàng Việt.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Xuân Diệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng lại cho rằng, Hai Bà Trưng là quận nội thành, quận không có sản phẩm truyền thống nhưng dân cư đông đúc, nhiều chợ, nhiều trung tâm thương mại. Vì vậy, lượng tiêu dùng hàng hóa của quận đứng đầu trong khối quận, huyện trên toàn thành phố. Với đặc thù như vậy nên BCĐ CVĐ đã thực hiện nhiều mô hình dễ hoạt động để tham gia kích cầu tiêu dùng; cũng như định hướng cho người dân tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2023, MTTQ quận và BCĐ quận đã tham mưu cho cấp ủy; tham mưu cho BCĐ CVĐ kiện toàn kế hoạch hoạt động trong cả năm.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cơ bản thống nhất với những kết quả mà BCĐ CVĐ cũng như các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị đã triển khai trong 6 tháng đầu năm. Để đóng góp thiết thực vào công tác phục hồi, phát triển kinh tế, các hoạt động của BCĐ CVĐ đã hướng về cơ sở nhiều hơn. Cụ thể là hàng tuần, hàng tháng Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến Thương mại, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đều hướng hoạt động về cơ sở, tổ chức ở cơ sở nên đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua đó, tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với hàng Việt Nam được nâng lên. Nhiều mô hình điển hình trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo đời sống của người lao động trong doanh nghiệp đã được quan tâm và tác động thường xuyên. UBND thành phố Hà Nội cũng có nhiều cơ chế để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo phúc lợi xã hội...
Thống nhất với những hạn chế đã được đề cập tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Lan Hương cho biết, về nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện CVĐ ở một số đơn vị chưa thật sự phong phú, chưa có hoạt động mới cũng như việc chuyển đổi số trong thực hiện CVĐ chưa rõ nét. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm rõ nét đến CVĐ. Chính vì vậy, BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị phải lưu ý.
“Về triển khai Chương trình “Bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, năm 2023 là năm thứ 14 chúng ta triển khai. Qua thực hiện cho thấy quy mô, phạm vi, nội dung, hình thức ngày càng có sự điều chỉnh hiệu quả, thiết thực hơn để tôn vinh hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Năm nay, chúng ta lại tiếp tục có sự điều chỉnh về quy chế bình chọn. Vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình nếu đáp ứng được yêu cầu thì cố gắng tham gia để nâng tầm Chương trình bình chọn hàng Việt”, bà Lan Hương chia sẻ.
Bà Nguyễn Lan Hương đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông về CVĐ các cấp trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền các sản phẩm chất lượng cao; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình và quan tâm nhiều hơn đến công tác thi đua khen thưởng. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát kế hoạch tuyên truyền; đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện khi triển khai CVĐ; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa BCĐ CVĐ để triển khai một cách sâu rộng…
Trong khuôn khổ hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đã báo cáo tiến độ triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023 và thông báo những nội dung được điều chỉnh trong Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023.