10 ngày thiên tai kinh hoàng
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận xét 10 ngày qua là những ngày thiên tai kinh hoàng, khi mà nền nhiệt tại Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải vượt ngưỡng 40 độ C và mưa như trút ở nhiều nơi.
Theo WMO, độ nóng kéo dài cả ngày lẫn đêm tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương. Trong khi đó, tiến sĩ J.Nairm - chuyên gia cấp cao của WMO cảnh báo thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn và tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất trong vòng 50 năm.
WHO dự báo, vào ngày 1/8, nhiệt độ tại đảo Sicily của Italy sẽ ở mức nhiệt 48,8 độ C. Tuy nhiên, vẫn còn “mát mẻ hơn nhiều” so với 52,2 độ C ở làng Sanbao (thuộc Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc) hồi giữa tháng 7, cũng như mức 54 độ C đo được ở Thung lũng Chết (bang California, Mỹ).
Thời gian qua, Trung Quốc phải hứng chịu sự cực đoan của thời tiết, được cho là “rất kỳ lạ”. Nếu như ở làng Sanbao nắng nóng tới 52,2 độ C (chỉ kém 0,1 độ C ghi nhận vào năm 1969) thì mưa lại đặc biệt lớn lên tới 250-280mm trút xuống bờ biển phía tây nam Quảng Tây và phía bắc Hải Nam. Một số thành phố phía đông nam tỉnh Phúc Kiến và phía đông nam tỉnh Giang Tô cũng hứng mưa 200-300mm.
Trong khi đó, tại nhiều nơi trên đất Mỹ, thời tiết cũng đặc biệt khắc nghiệt. Vùng sa mạc phía nam bang California, miền nam bang Nevada và bang Arizona, mức nhiệt ghi nhận được là 46 - 48 độ C. Đợt nắng nóng đã ảnh hưởng tới hơn 80 triệu người từ California, Texas, Florida, Arizona, Nevada đến New Mexico. Không chỉ sóng nhiệt, mà hiện tượng vòm nhiệt đã hun nóng khí hậu cả ngày lẫn đêm.
Michelle Litwin - người quản lý chương trình ứng phó với nắng nóng của thành phố Phoenix cho biết, “tuần lễ nắng nóng” kéo dài tại đây chỉ được ghi nhận duy nhất một lần vào năm 1985, nhưng nền nhiệt trung bình thấp hơn 2 độ C. Giới chức thành phố đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến nắng nóng.
“Chúng tôi đang sống trong hỏa ngục” - Michael Shaw, 49 tuổi, công dân thành phố Phoenix nói và cho biết những trường hợp tử vong đều là người vô gia cư sống trên đường phố. Còn Michael Shields - một cựu binh 67 tuổi cho biết, 4 giờ sáng đã phải thức dậy uống nước điện giải và bôi kem chống nắng để "đối mặt với hỏa ngục". Ông không dám đọc tin tức về nắng nóng cũng như không dám nhìn vào chỉ số thời tiết để không mất tinh thần.
Tại Hàn Quốc, lũ lụt và sạt lở đất do mưa lớn đã làm ít nhất 39 người thiệt mạng (trong đó có 13 người tử vong trong đường hầm Cheongju khi lối đi bị nước nhấn chìm) và 10 người mất tích; hơn 10.500 người phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Mưa lớn cũng khiến 211 con đường phải tạm đóng cửa. Mưa lớn đã trút xuống khu vực phía Nam của tỉnh Gangwon, các tỉnh Chungcheong, phía nam đảo Jeju. Những khu vực ven biển của các tỉnh Nam Jeolla và Gyeongsang mưa lớn tới 300mm. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông tin đã phải điều động gần 500 quân nhân cùng nhiều thiết bị hỗ trợ ứng phó thiên tai.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói, những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên phổ biến, cần phải đối phó với quyết tâm cao. Lượng mưa lớn lên tới hơn 300mm gây ảnh hưởng rất nặng nề. Lũ lụt chết người đánh dấu một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của Hàn Quốc kể từ khi mưa lớn vào tháng 7/2011 gây ra lũ quét và lở đất, khiến ít nhất 49 người thiệt mạng.
Còn tại Ấn Độ, ngập lụt đã đẩy nhiều người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Tại một số khu vực, đặc biệt là thủ đô New Delhi, tình trạng ngập lụt được mô tả là tồi tệ nhất trong 45 năm qua. Ông Deepak sống ở New Delhi nói: "Nhìn cứ như một biển nước vậy”.
Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, kể từ khi mùa mưa bắt đầu vào ngày 1/6, New Delhi đã ghi nhận lượng mưa cao hơn 113% so với mức trung bình. Những trận mưa ở các bang miền núi phía bắc đã khiến sông Yamuna vỡ bờ. Người dân sống dọc bờ sông đều phải lánh nạn.
Trong khi đó, Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản (NHK) liên tục cảnh báo nắng nóng ở mức đe dọa đến tính mạng khi nhiệt độ tăng vọt lên gần 40 độ C tại một số nơi, bao gồm cả Thủ đô Tokyo; trong khi mưa lớn lại xối xả trút xuống các khu vực khác. Chính phủ Nhật Bản đã phải ban hành cảnh báo say nắng đến 20 trong số 47 tỉnh của đất nước; trong đó thành phố Kiryu (thuộc tỉnh Gunma) nhiệt độ lên tới 39,7 độ C còn thành phố vệ tinh Hachioji phía tây Tokyo đạt 38,9 độ C.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận của Nhật Bản là 41,1 độ C ở thành phố Kumagaya (thuộc tỉnh Saitama) vào năm 2018.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận tình trạng El Nino đang tác động và phát triển lên mức từ trung bình đến mạnh trong thời gian tới. Những khu vực ở đông bắc Đại Tây dương nóng hơn 5 độ C so với mức trung bình. "Nhiệt độ thiêu đốt đang bao trùm phần lớn bắc bán cầu, trong khi lũ lụt tàn khốc do mưa kéo dài đã làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của nhiều người" - thông tin từ WMO. Từ năm 2023 - 2027, nhiều khả năng nhiệt độ trái đất tăng thêm hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, trở thành giai đoạn 5 năm nóng nhất từ trước đến nay. Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, thời tiết cực đoan đang tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước.