Văn học mạng - Quản lý thế nào?
Những năm qua, văn học mạng đang hình thành một thế hệ chuyên sáng tác trên không gian mạng, tạo ra những cộng đồng riêng khá lớn mạnh. Tuy nhiên, để văn học mạng phát triển đúng hướng, rất cần những định hướng, nhìn nhận thấu đáo.
Phát triển cùng mạng xã hội
Thời gian qua, văn học mạng không còn xa lạ với những ai yêu thích văn chương và sáng tác. Với mạng Internet, không cần một nhà xuất bản mà chính tác giả có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên mạng xã hội và tự tìm kiếm độc giả. Văn học mạng mang đến luồng gió mới, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào cho người đọc.
Tại Việt Nam, văn học mạng được hình thành từ 2 luồng chính. Thứ nhất là những cây viết thời đại công nghệ số, tự sáng tác và công bố tác phẩm trên môi trường số, tương tác trực tiếp với độc giả. Thứ hai là một số tác giả đã thành danh, có nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận và theo dòng chảy của thời đại, họ sử dụng Internet để đa dạng hóa hình thức truyền tải, giúp đông đảo người đọc tiếp nhận tác phẩm của mình theo lựa chọn cá nhân.
Tuy nhiên, những điểm hạn chế của văn học mạng đến từ đội ngũ tác giả tự sáng tác và công bố trên môi trường số được đánh giá thông qua số view, like, lượt tương tác, bình luận, chia sẻ. Điều này dẫn đến việc tác giả viết theo đặt hàng và chiều thị hiếu của độc giả, nhiều nội dung trong số đó dễ dãi, thậm chí là cổ vũ, kích động lối sống không lành mạnh.
Trong khi đó, các tác phẩm văn học được in ấn, phát hành phải qua quy trình biên tập, kiểm duyệt của các nhà xuất bản và được hậu kiểm bởi các cơ quan chức năng.
Nhà thơ Võ Mạnh Hảo cho biết, văn học mạng phát triển song song với sự phát triển của mạng internet, các nhà văn, nhà thơ ai cũng sử dụng mạng xã hội để giới thiệu tác phẩm của mình đến với độc giả yêu văn. Điều này góp phần tạo nên một không gian đối thoại, trao đổi mở trên môi trường mạng. Mạng internet phát triển và không giới hạn về không gian nên các tác phẩm cũng có tốc độ lan truyền khá nhanh đến độc giả. Điều này cũng khuyến khích nhà văn liên tục cho ra đời tác phẩm mới, thường xuyên tương tác với người đọc và tính dân chủ trong tiếp nhận tác phẩm luôn được đề cao. Tuy nhiên, văn học mạng hay văn học truyền thồng đều cần độc giả. Nhà văn muốn tồn tại phải xây dựng được lực lượng độc giả trung thành, muốn có độc giả trung thành thì phải có những tác phẩm văn học chất lượng và đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Quản lý như thế nào?
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết, văn chương trên mạng cũng có cái tích cực và tiêu cực. Ngày nay văn học mạng được xem là mảnh đất hấp dẫn để nhà văn thể nghiệm những tư tưởng mới về nghệ thuật trên hành trình sáng tạo. Trước đây, những cách tân của nhà văn trong nhiều trường hợp rất khó đến được với người đọc qua cánh cửa xuất bản. Bởi cái mới, cái khác không dễ được độc giả thông thường tiếp nhận ngay; cũng vì lẽ đó, các đơn vị xuất bản không mạo hiểm để tránh lỗ vốn. Tuy nhiên, trong môi trường mạng xã hội thì nhà văn thỏa sức thể nghiệm những cách tân nghệ thuật của mình, miễn là điều đó không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng Ban Văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Một số tác giả văn học mạng khởi đầu có thể là văn học mạng, nhưng con đường cuối cùng vẫn là văn học chữ viết. Khi qua xuất bản in, một tác phẩm được biên tập. Còn văn học mạng, tác giả thích gì đăng nấy, không qua bất cứ công đoạn biên tập kỹ càng nào. Khi phải đối mặt với thách thức trong vấn đề biên tập, duyệt nội dung văn hóa phẩm, nhất là khi đối diện với sự nở rộ của các trào lưu như “tiểu thuyết mạng”, rất cần sự vào cuộc của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các đơn vị quản lý dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến. Độc giả, nhất là những bạn trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận, chia sẻ những tác phẩm mới, nhưng cũng cần tự trang bị cho mình một “bộ lọc” để tiếp nhận hay tránh xa những tác phẩm chưa phù hợp.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Hiện nay, chúng ta chưa có bất cứ quy định quản lý đối với tác phẩm văn học trên mạng. Chúng ta vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về xuất bản. Vì vậy, Sở sẽ tiếp tục đồng hành nhiều hơn với các công ty xuất bản, doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng công nghệ số trong việc xuất bản quản lý chặt sách điện tử, văn học mạng theo đúng định hướng của Nhà nước và phù hợp với xu thế phát triển chung”.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Hầu hết các nền tảng mạng xã hội mà tác giả đăng tải tác phẩm của mình đều đặt máy chủ ở nước ngoài. Đây là các nền tảng xuyên biên giới, đó cũng là thách thức của quản lý nhà nước. Chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa xây vừa chống. Đối với phát triển, chúng tôi tập trung cao độ vào thực hiện chuyển đổi số, đẩy nhanh xuất bản điện tử cũng như mở ra một số thị trường sách mới: sách nói, sách tinh gọn… Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung vào những giải pháp kỹ thuật với các nền tảng xuyên biên giới. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo để các bộ phận chức năng phối hợp với nhau để xử lý các vấn đề kỹ thuật”.
Văn học mạng hiện nay được hình thành từ 2 luồng chính. Thứ nhất là những cây viết thời đại công nghệ số, tự sáng tác và công bố tác phẩm trên môi trường số, tương tác trực tiếp với độc giả. Thứ hai là một số tác giả đã thành danh, có nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận và theo dòng chảy của thời đại, họ sử dụng Internet để đa dạng hóa hình thức truyền tải, giúp đông đảo người đọc tiếp nhận tác phẩm của mình theo lựa chọn cá nhân.