Cao Phong, Hòa Bình: Tăng tốc về đích huyện nông thôn mới
Hướng đến mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện NTM, huyện Cao Phong tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn NTM.
Cam Cao Phong vươn tầm thế giới
Huyện Cao Phong có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, trong đó nổi bật là lợi thế về phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao và các loại hình du lịch, dịch vụ. 20 năm qua, huyện đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Trong quá trình phát triển, huyện luôn chú trọng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, diện tích trồng cam, quýt toàn huyện Cao Phong khoảng 1.358 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/niên vụ, trong đó, nhiều diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao và thị trường ưa chuộng.
Ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, cây cam được trồng từ đầu thập kỷ 60, đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX. Loại nông sản này đã được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ). Sau hơn 40 năm (kể từ năm 1980), cam Cao Phong đã vươn ra thị trường thế giới với sự kiện xuất khẩu lô cam Cao Phong gồm 7 tấn sang thị trường Vương quốc Anh vào ngày 5/1/2023.
Theo kết quả phân tích các mẫu cam Cao Phong, toàn bộ các mẫu thử nghiệm không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào của gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Chính vì vậy, chuyến hàng cam Cao Phong đầu tiên với tổng khối lượng khoảng 7 tấn chính thức được xuất khẩu sang thị trường Anh. Đây là dấu ấn đặc biệt, góp phần quảng bá mạnh mẽ thương hiệu "Cam Cao Phong" và động viên người trồng cam huyện Cao Phong.
Cũng theo ông Quách Văn Ngoan, xác định cây cam là sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Cao Phong đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu, phát triển và đưa sản phẩm vươn ra những thị trường lớn. Bên cạnh đó UBND huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, chính sách quan trọng liên quan đến cây giống sạch bệnh, tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh để hỗ trợ người dân trồng tái canh cây cam, quy mô khoảng 800 ha từ nay đến năm 2025. Khuyến khích người dân cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng những cánh đồng mẫu phục vụ sản xuất với quy mô hàng hóa. Việc nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển cây cam như tu sửa, cải tạo các công trình hồ đập, đường giao thông tại địa bàn các xã, thị trấn được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.
Cam Cao Phong có mặt tại "trời tây” là minh chứng cho thấy sự nỗ lực quyết tâm đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Cao Phong trong công cuộc phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp. Thực tế những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quyết định, chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo, cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Nhờ đó cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 56 triệu đồng; 10/10 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Nhìn chung, diện mạo của Cao Phong đã hoàn toàn khởi sắc về mọi mặt.
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Với lợi thế trung tâm, cửa ngõ giao thương kết nối Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, huyện Cao Phong đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thương tỉnh Hòa Bình. Huyện Cao Phong còn được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá của khu vực phía Tây Hoà Bình, đây là đòn bẩy để huyện Cao Phong tiếp tục đầu tư đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, xác lập những cột mốc mới với các chỉ số kinh tế bứt phá. Chính vì vậy, thời gian tới, Cao Phong đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Huyện chú trọng thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của huyện. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước.
Đặc biệt với mục tiêu quyết tâm đưa huyện Cao Phong phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo, tạo ra một diện mạo mới, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay huyện đang từng bước đầu tư về cơ sở hạ tầng như: Đường Bắc phong - Thung Nai giai đoạn 2; đường dân cư mới QH13, QH13B, QH13C thị trấn Cao Phong, xã Bắc Phong; khu đô thị Bắc Phong… Thu hút các nhà đầu tư lớn như tập đoàn Sunrgoup. Huyện kêu gọi các doanh nghiệp của tỉnh, huyện bạn quan tâm đến các thế mạnh, tiềm năng hiện có của địa phương để sớm có những hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện Cao Phong.
Bên cạnh đó, huyện đã thu hút được các nhà đầu tư về khu đô thị như: Khu đô thị TNR Cao Phong được quy hoạch với tổng diện tích 98 ha. Bao gồm 328 lô liền kề, 16 lô biệt thự, công viên cây xanh. Tổng chi phí thực hiện 1.008 tỷ đồng. Khu đô thị TNR Cao Phong được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khu nhà ở với không gian sống tiện nghi, chất lượng. Nhằm tạo quỹ đất ở mới đáp ứng nhu cầu người dân trong khu vực; góp phần tạo cảnh quan đô thị, diện mạo mới cho Cao Phong.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Cao Phong đạt 8,9%, vượt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực đều có sự đổi thay vượt bậc.Giao thông được đầu tư đồng bộ, đạt 100% đường bê tông đến các xóm nên toàn huyện có sự thông thương thuận lợi. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư. Hệ thống thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển. Diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn có nhiều khởi sắc. Tính đến nay, 5/9 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, Dũng Phong là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh.