Làm giàu từ cây ca cao hữu cơ

M.Thìn-H.Trang 25/07/2023 06:36

Sau hơn 2 năm chuyển sang áp dụng quy trình trồng theo phương pháp hữu cơ, vườn ca cao rộng khoảng 9.000m2 của ông Trương Ngọc Lân ở ấp Liên Lộc (xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển xanh tốt.

Những sản phẩm chocolate hữu cơ “Made in Bà Rịa-Vũng Tàu”.

“Vụ thu hoạch vừa rồi, vườn ca cao của gia đình thu hơn 1 tấn với mức giá ổn định trung bình khoảng 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 40 triệu đồng. Sản phẩm chất lượng, giá cả ổn định, thu hoạch xong là có doanh nghiệp thu mua ngay nên tôi yên tâm sản xuất mà không phải lo nghĩ nhiều về đầu ra” - ông Lân nói.

Tương tự ông Lân, gia đình ông Nguyễn Bá Hoàng cùng địa phương đã tham gia mô hình trồng ca cao theo hướng hữu cơ bắt đầu từ năm 2017. Với khoảng 1.000 cây đang cho thu hoạch ổn định 30 tấn trái ca cao tươi/năm, sau khi trừ chi phí, ông Hoàng lãi khoảng 150 triệu đồng.

“Trước đây, tôi vẫn canh cánh nỗi lo được mùa rớt giá, nhưng khi tham gia vào mô hình sản xuất ca cao theo hướng hữu cơ, đầu ra được doanh nghiệp đảm bảo nên tôi rất vui” - ông Hoàng phấn khởi.

Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích cây ca cao lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 360ha. Đây cũng là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng cây ca cao, năng suất đạt từ 2,5-3 tấn hạt khô/ha/năm. Để mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển cây ca cao bền vững, UBND huyện Châu Đức đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng để đầu tư cây giống, vật tư nông nghiệp cho khoảng 80 hộ nông dân đẩy mạnh thực hiện quy trình canh tác cây ca cao theo mô hình VietGap, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trên diện tích khoảng 50ha. Cùng đó, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã liên kết sản xuất, thu mua trái ca cao tươi của nông dân để chế biến các sản phẩm, như bột ca cao, kẹo chocolate, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao… và xuất khẩu.

Theo ông Trịnh Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH ca cao Thành Đạt, doanh nghiệp đã vận động bà con tham gia lớp tập huấn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình phát triển ca cao bền vững). Từ đó nông dân dần thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất, tưới nước và chăm sóc theo đúng quy trình đến bón phân, người trồng phải ghi chép nhật ký làm căn cứ cho tổ chức thu mua truy tìm nguồn gốc…

“Khi trồng ca cao hữu cơ, nông dân không sử dụng bất cứ loại phân bón hay thuốc trừ sâu hóa học nào mà sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân chuồng đã qua hoại mục, các loại mụn dừa, vỏ ca cao... Với cách làm này sẽ giúp nhà nông giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho bản thân” - ông Thành cho biết.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ca cao “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu” đã và đang chinh phục các thị trường khó tính bởi khâu chế biến được đầu tư hiện đại, người nông dân đã canh tác theo hướng hữu cơ tạo ra vùng nguyên liệu sạch cho đầu vào. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 614 ha ca cao, phần lớn đều thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ. Với diện tích được cho là “khiêm tốn”, nguồn cung không đủ cho nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu đi các nước khác, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực khuyến khích nông dân tăng cường mở rộng diện tích loại cây trồng này.

M.Thìn-H.Trang