Khẩn cấp chống hạn và xâm nhập mặn
Ngày 24/7, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, để chống tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Đối diện nhiễm mặn, hạn hán
Ông Tý cho biết, Quảng Nam đã triển khai gieo sạ 41.500ha lúa từ ngày 20/5 và kết thúc vào 5/6/2023. Nhưng vụ hè thu này đáng lo nhất là tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi đó, hầu hết hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nước. Hiện dung tích của 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý cũng chỉ cơ bản đảm bảo, còn với 48 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý thì chỉ có 9 hồ tích đầy nước. Nếu tiếp tục nắng hạn kéo dài thì không thể lường hết hậu quả.
Ông Tý cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào các sông Vĩnh Điện, Bà Rén thuộc hệ thống sông Thu Bồn với độ mặn khá cao. Mới đây, sông Đầm thuộc TP Tam Kỳ cũng bị nhiễm mặn với nồng độ đo được lên đến 9,2 phần nghìn. Dự báo, thời gian tới tình trạng này sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn.
Tại huyện miền núi Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NNPTNT huyện cho biết, hiện nay toàn huyện có 712ha đất lúa. Ngoài hồ chứa Nước Ron ở xã Trà Dương, hồ chứa Dương Hòa ở xã Trà Sơn và hồ chứa Nước Rin ở xã Trà Giáp thì huyện còn có 158 đập dâng, đập bổi và hệ thống các công trình thủy lợi nhỏ. Thế nhưng vụ hè thu năm nay những công trình thủy lợi này chỉ đảm bảo tưới khoảng 605ha lúa.
“Đáng chú ý, trong số 605ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, nếu thời gian tới nắng nóng gay gắt, mực nước các hồ đập, khe suối tụt giảm mạnh thì nhiều khả năng sẽ có ít nhất 100ha lúa bị khô hạn” - ông Vương nói.
Khẩn cấp ứng phó
Để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn và xâm nhập mặn gây ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, như đắp đập ngăn mặn, lắp máy bơm dã chiến hỗ trợ các địa phương, khơi thông kênh mương nội đồng, tưới tiết kiệm nước...
Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã gấp rút xây dựng phương án phòng chống hạn vụ hè thu 2023 cho từng vùng; lên phương án nếu hạn hán khắc nghiệt sẽ chi 2 tỷ đồng mua ít nhất 10 máy bơm dã chiến hỗ trợ các địa phương. Đồng thời nỗ lực ngăn dòng chảy các khe suối và lắp đặt hệ thống đường ống đưa nước về giải cứu 100ha lúa nằm trong diện nguy cơ bị khô hạn nặng.
Còn tại khu vực đồng bằng, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, địa phương đã hoàn thành công trình đập thời vụ ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện với tổng kinh phí đầu tư gần 2,8 tỷ đồng. Tuyến đập đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm điện Cẩm Sa, Tứ Câu, Vĩnh Điện, Thanh Quýt,... vận hành ổn định để cung ứng nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên địa bàn thị xã và một phần của Hội An, Đà Nẵng.
“Việc xây dựng đập ngăn mặn giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện là nỗ lực rất lớn của địa phương. Tuy nhiên, có vấn đề phát sinh là hiện nay mực nước trên sông Thu Bồn xuống thấp, nước mặn từ hướng Cửa Đại xâm nhập khiến việc vận hành của một số trạm bơm bị ảnh hưởng. Thị xã đang linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó để đảm bảo nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng vụ hè thu 2023” - ông Chơi cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, năm nay mặn xâm nhập sớm, chính quyền đã cho đắp đập trên sông Đầm với kinh phí hơn 420 triệu đồng để đảm bảo nước tưới cho hơn 300ha lúa hè thu ở các xã Tam Phú, Tam Thăng và phường An Phú.
Tại huyện Duy Xuyên các sông như Thu Bồn, sông Bà Rén đều bị mặn xâm nhập. Để ngăn chặn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đang triển khai đập ngăn mặn ở khu vực Cầu Đen, kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đập này hoàn thành, cung cấp nước cho gần 1.000 hecta lúa.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Nếu nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp thì dự báo, vụ hè thu 2023 toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa thiếu nước tưới. Hiện nay ngành nông nghiệp cùng với các địa phương và các đơn vị liên quan đã và đang triển khai các biện pháp để chống hạn và xâm nhập mặn để đảm bảo sản xuất vụ hè thu.