Bất ngờ với ước mơ của thí sinh duy nhất đạt điểm 10 tại trường THPT biên giới A Túc
Hồ Thị Bông - thí sinh duy nhất của trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đạt điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khiến nhiều người bất ngờ khi mong ước trở thành nhà thiết kế thời trang.
A Túc là một trường THPT thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, thầy Nguyễn Tửu, Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn, chất lượng học tập của các em học sinh nơi đây còn kém hơn nhiều so với các trường tại vùng đồng bằng. Năm nay, trường có 111 thí sinh tham gia dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và 103 em đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 92,97%.
Theo thầy Tửu, đa phần học sinh của trường THPT A Túc có điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức trung bình; vài năm trở lại đây, học sinh tại trường đạt điểm 10 trong các kỳ thi này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm nay, nhà trường chỉ có duy nhất Hồ Thị Bông (học sinh lớp 12B2) là thí sinh đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân.
Trò chuyện với chúng tôi về “kỳ tích” này, Hồ Thị Bông bẽn lẽn kể, bản thân em cũng vô cùng bất ngờ với kết quả mình đạt được trong môn Giáo dục công dân. “Thi xong em xem lại đáp án ngay và cũng đoán là mình được điểm cao, tuy nhiên, em không nghĩ là mình lại được 10 điểm tròn trĩnh vậy”.
Thầy Nguyễn Thái Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2 cũng bất ngờ về kết quả của Bông. Thầy Sơn nói: “Bình thường Hồ Thị Bông không quá nổi bật kể cả học tập lẫn các hoạt động tập thể. Các buổi sinh hoạt lớp em cũng khá trầm và gần như không có khi nào tham gia ý kiến. Qua công tác chủ nhiệm tôi biết Bông là học sinh chăm chỉ học tập, dẫu vậy việc em ấy đạt 10 điểm môn Giáo dục công dân trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua khiến tôi hết sức bất ngờ”.
Sự bất ngờ mà Hồ Thị Bông mang lại cho giáo viên chủ nhiệm của mình chưa dừng lại ở đó. Em chia sẻ với phóng viên rằng, tới đây em sẽ nộp hồ sơ tham gia học tập ngành thiết kế thời trang của một trường tại TP Đà Nẵng.
“Từ hồi học THCS em đã thấy rất nhiều bộ áo quần cũ nhưng chất lượng vải còn tốt bị bỏ đi. Em thấy rất uổng phí… Vậy nên em đã thử cắt đồ cũ may lại đồ mới và được các dì, các chú… trong nhà rất thích”, Bông nói về ngọn nguồn ước mơ của mình.
Không chỉ vậy, cô gái người đồng bào Vân Kiều vừa tròn 18 tuổi này cũng nhận thấy, ngày càng ít người mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình. Do đó, ngoài việc thiết kế, sản xuất ra trang phục mới từ những bộ đồ cũ, Hồ Thị Bông còn mong muốn sẽ tìm ra hướng nâng tầm, quảng bá trang phục truyền thống của đồng bào mình đến cộng đồng.
Hồ Thị Bông chia sẻ: “Sau khi học xong, có thể thiết kế được rồi em muốn thành lập một cơ sở sản xuất trang phục ngay tại quê nhà và mong là có thể tạo công ăn việc làm cho người dân tại quê hương em. Em cũng sẽ may những bộ đồ trang phục truyền thống của đồng bào mình thật đẹp để quảng bá, lan tỏa đến cộng đồng”.
Biết được ước mơ của Bông, thầy Nguyễn Thái Sơn thêm một phen bất ngờ. Thầy Sơn nói: “Đó là một ước mơ tốt đẹp. Tôi ủng hộ và mong sao học trò mình sẽ sớm biến ước mơ trở thành hiện thực. Dẫu vậy, thật sự thì tôi vô cùng bất ngờ với ước mơ của Bông bởi lẽ nó hướng đến cộng đồng và hoàn toàn khác với những gì mà trước nay tôi thấy ở học trò mình - khá trầm lắng, dè dặt”.
Thầy Nguyễn Tửu cũng bất ngờ với kết quả và ước mơ của cô học trò Hồ Thị Bông. Hiệu trưởng trường THPT A Túc chia sẻ, các em học sinh trong nhà trường thường xuyên được tham gia các hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Qua nắm bắt thông tin, đa số học sinh của nhà trường thường lựa chọn đi làm công nhân tại các TP lớn trong nước hoặc học tiếng rồi đi xuất khẩu lao động. Một số ít học sinh có năng lực học tập tốt hơn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng rồi mới tìm việc làm sau.
“Về quan điểm, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, luôn động viên khích lệ để học sinh học tập, rèn luyện. Thậm chí, đối với những em sau khi tốt nghiệp, đi học tại các trường đại học, cao đẳng… cũng nhận được sự quan tâm của nhà trường, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện… trong việc trao học bổng học tập cho các em”, Hiệu trưởng trường THPT A Túc cho hay.
Lấy Quỹ Học bổng Xèo Chu làm ví dụ điển hình cho nhận định trên, thầy Nguyễn Tửu cho biết thêm, A Túc là một trong số những trường THPT tại tỉnh Quảng Trị nhận học bổng này. Mới đây nhất, vào tháng 10/2022, họa sĩ Xèo Chu đã đến trường hỗ trợ 14 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên học khá, học giỏi và tặng cho thư viện nhà trường 190 bộ sách giáo khoa lớp 10 Chương trình phổ thông mới 2018 với tổng giá trị hơn 140 triệu đồng.
Trở lại với Hồ Thị Bông, thầy Nguyễn Tửu chúc cho em “chân cứng đá mềm” để vượt qua mọi khó khăn, thử thách sớm hoàn thành ước mơ của mình. “Tôi trân trọng ước mơ tốt đẹp của tất cả các em. Đặc biệt, tại một trường có thành tích học tập còn khiêm tốn như A Túc, tôi càng mong ước mơ tốt đẹp của các em trở thành hiện thực. Bởi lẽ, khi đó, các em sẽ trở thành tấm gương cho những thế hệ học sinh sau này học tập, noi theo vươn lên trong học tập góp phần cải thiện chất lượng giáo dục của nhà trường, của khu vực miền núi còn nhiều khó khăn này”, thầy Nguyễn Tửu kết lại cuộc trò chuyện.
Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho hay, Hồ Thị Bông là con thứ 2 trong một gia đình 5 người con ở thôn A Họ. Dù thuộc diện hộ nghèo, tuy nhiên, ông Hồ Văn Phơ và bà Hồ Thị Dâm (ba mẹ của em Hồ Thị Bông) vẫn luôn nỗ lực để con cái được học hành đàng hoàng.