Người lãnh đạo
Sinh thời, Bác Hồ đã từng căn dặn: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu thấu và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của “những người không quan trọng”.
Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hành động vì dân, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng.
Bác Hồ yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp xếp nó thành những ý kiến có tính hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, làm nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”.
Bác chỉ ra rằng: “Một người dù có tài giỏi đến đâu, cũng không thể nắm được hết mọi mặt của một vấn đề, cũng không thể biết hết được mọi việc trong đơn vị cũng như đời sống của xã hội. Do đó, cần có cách làm việc tập thể để phát huy trí tuệ của tập thể, trí tuệ của đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành nhiệm vụ của một tập thể, một địa phương, mà nếu chỉ riêng người cán bộ lãnh đạo, quản lý thì không làm nổi”. Bác còn viết: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc”.
Vậy mà vẫn còn những cán bộ ăn trên, ngồi trốc. Chẳng hạn như cán bộ ở quận Thủ Đức xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800m2. Còn có cán bộ lãnh đạo có tới 7 lô đất đều nằm ở các vị trí đắc địa của TP Lào Cai. Có tới hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật khiến người ta nhớ đến những gương mặt mà hôm qua còn đứng trên bục diễn thuyết về đạo đức cách mạng, về sự tha hóa - biến chất từ bên trong, về sự liêm chính cần phải có của người cộng sản… nhưng nay, họ bẽ bàng nhận các hình thức kỷ luật.
Còn có tới 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỉ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu". Còn có Phó Chủ tịch tỉnh nộp lại 4 tỉ đồng trên tổng số 5 tỉ bị cáo buộc nhận hối lộ. Còn có hai Chánh phó Tổng Giám đốc một Tổng công ty đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ đồng "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay. Còn có tới 4 đại tá và 1 đô đốc ngồi tù vì tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Còn có tới 4 cán bộ của Ban Quản lý dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong năm 2019, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 446 vụ án, vụ việc; xử lý dứt điểm 211 vụ việc, vụ án, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đến nay đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ/720 bị cáo, tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân, 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm. 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Việc phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình thật khổ tâm, đau xót, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Theo Tổng Bí thư: “Bản thân các đương sự cũng đã nhận ra các sai sót, khuyết điểm, đó là điều quan trọng nhất. Quan trọng hơn, đây là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo người khác đừng đi vào vết xe đổ…
Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nói: “Chúng ta xử lý để giữ cho được sự trong sạch, lành mạnh, vững vàng của Đảng ta, chế độ ta; xử lý những trường hợp sai lầm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vì sự tiến bộ chung, bất kể đó là ai. Ta làm rất công tâm, khách quan, xây dựng, mở đường cho người ta tiến chứ không phải đánh một roi cho thật đau”.
Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên. Trung ương chỉ rõ 1 trong 27 biểu hiện suy thoái đó là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhìn nhận từ lý luận gốc đến thực tiễn sự vận động phát triển trong xã hội ngày nay, càng thấy vấn đề “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân” là cốt tử của mỗi người cán bộ, đảng viên trong cơ quan công quyền. Cán bộ mà quan liêu, xa dân thì chỉ có hại cho dân, cho nước và hại cho chính họ. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.