Thanh Hóa: MTTQ và các tổ chức thành viên đã đóng góp 82.500 ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp.
Sáng ngày 25/7, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218 ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218 đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; phát huy tốt vị trí, vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nội dung và hình thức hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng nâng cao về chất, thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, có chiều sâu với sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Thông qua công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt hơn việc công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã phản ánh đến cấp ủy tổ chức Đảng các cấp với tổng số hơn 82.500 ý kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp. Tổ chức góp ý hơn 12.000 lượt ý kiến đối với người đứng đầu cấp ủy và đảng viên thông qua hoạt động thường xuyên; thông qua việc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy và thực hiện vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, Nhân dân để phản ánh đến chính quyền cùng cấp với hơn 300.000 lượt ý kiến góp ý xây dựng.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch 403, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng nâng cao về chất; nội dung thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt hơn việc công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Giai đoạn 2017 - 2022, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức giám sát độc lập được 6.339 cuộc, trong đó: cấp tỉnh giám sát 124 cuộc, cấp huyện 625 cuộc, cấp xã 5.590 cuộc. Nhìn chung, việc giải quyết kiến nghị sau giám sát của MTTQ các cấp đều được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tiếp thu và giải quyết cụ thể, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội đối với 1.545 dự thảo các văn bản của cấp ủy, các chương trình đề án, các cơ chế chính sách của chính quyền các cấp, trong đó: cấp tỉnh phản biện 81 dự thảo văn bản; cấp huyện phản biện 118 dự thảo văn bản; cấp xã phản biện 1.346 dự thảo văn bản.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia phát biểu ý kiến chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; đồng thời, góp ý, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia góp ý XDĐ, XDCQ, công tác GS, PBXH trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp, cống hiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Quyết định 218, Nghị quyết liên tịch số 403 trong thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định, quyết định, kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý XDĐ, XDCQ, trọng tâm là Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý XDĐ, XDCQ, Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quy định 2543 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tham gia góp ý XDĐ, XDCQ trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GS, PBXH, tham gia góp ý XDĐ, XDCQ của MTTQ và các đoàn thể. Định kỳ báo cáo kết quả GS, PBXH với cấp ủy, HĐND cùng cấp có ý kiến để các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị. Xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác XDĐ, một giải pháp căn bản để thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND và các cơ quan liên quan để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GS, PBXH, tham gia góp ý XDĐ, XDCQ. Tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp đã ký kết.
Đồng thời, bà Phạm Thị Thanh Thủy cũng đề nghị, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức GS, PBXH theo hướng: chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu.
Cũng tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Thủy cùng các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trao bằng khen cho 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị khóa XI, giai đoạn 2013-2023; 32 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trung ương MTTQ Việt Nam, giai đoạn 2017-2022.