Nơm nớp nỗi lo 'núi đè'

ĐÌNH MINH 26/07/2023 07:36

Từ năm 2015 đến nay, ít nhất 2 lần núi Gũ, xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) xảy ra tình trạng sạt lở, đè sập 2 ngôi nhà của người dân. Cho đến hiện tại, theo chính quyền địa phương, hiện vẫn có 36 hộ dân với 111 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần được đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đang tới gần.

Người dân thôn Cụ Thôn vô cùng lo lắng trước việc sạt lở núi.

Suýt mất mạng trong đêm tối

Ngôi nhà cấp 4 xây trát sơ sài, rộng chưa đầy 15m2 là nơi sinh sống của hộ bà Nguyễn Thị Hoàn (82 tuổi, trú thôn Cụ Thôn, xã Lĩnh Toại). Căn nhà này được dựng vào khoảng năm 2017 vì 3 gian nhà cũ của bà bị đổ sập do đất đá sạt từ trên núi xuống. Vẫn nhớ như in hồi ức kinh hoàng ấy, bà Hoàn kể lại: Vào 2h đêm ngày 22/9/2015, khi trời đang mưa tầm tã, 2 gốc cây bạch đàn từ trên núi bất ngờ đổ xuống rãnh thoát nước. Nghe tiếng động lớn, bà vội bật dậy khỏi giường, bật đèn pin và đi vội ra sân. Đang ngỡ ngàng, chưa biết xử trí 2 gốc cây này ra sao thì đúng 5 phút sau, một khối lượng lớn đất đá từ trên đồi trượt xuống phía dưới đổ ập vào bờ tường khiến 3 gian nhà của bà sụp đổ.

“Tôi chỉ kịp nghe một cái ầm, rồi nháo nhào chạy khỏi nhà khi thấy hàng trăm khối đất sạt xuống. Lúc đó trời tối lắm, và vẫn đang mưa nên tôi phải chạy trước sang nhà hàng xóm để tá túc, sau đó đến rạng sáng, tôi mới dám trở lại để xem tình hình ra sao” - bà Hoàn nhớ lại.

Theo lời kể của bà Hoàn, khi quay về, gần như 3 gian nhà đã bị đổ sập, bà chỉ kịp lấy ra từ đống đổ nát chiếc điện thoại và vài bộ quần áo. Chiếc giường đêm đó bà nằm, cũng đã bị mái ngói, gạch và đất đá đè lên nát tươm. Sau khi nắm bắt được sự việc, chính quyền địa phương đã cử cán bộ về ghi nhận, kiểm kê tài sản thiệt hại và có báo cáo lên UBND huyện Hà Trung để kịp thời có những hỗ trợ bước đầu đối với trường hợp của bà Hoàn.

Người dân thôn Cụ Thôn cho biết: Phía dưới chân núi Gũ, có 71 hộ dân định cư, trong đó, có 35 hộ sống ở phía Nam ngọn núi, hướng mặt ra tỉnh lộ 506. Ở mặt này, phần đất có kết cấu khá cứng, bao gồm nhiều phiến đá to.

“Năm 2017, đất đá từ trên núi Gũ sạt xuống, trôi từ phía sau nhà tôi ra gần tới cổng. Trong 5 năm qua, mỗi lần mưa lớn, một khối lượng đất đá sạt xuống gần bờ tường, thậm chí có lúc còn trôi ra đường lớn” - anh Mai Văn Hoài (42 tuổi), sống ở mặt phía Nam núi Gũ chia sẻ.

36 hộ dân sống trong nguy hiểm

Còn ở phía Bắc ngọn núi, hướng mặt ra sông Lèn là nơi định cư của 36 hộ dân. Ở khu vực này, chủ yếu là đất thịt, có kết cấu khá rời rạc nên mỗi lần mưa lớn, đất và cây cối bị trượt xuống sát nhà dân.

Bà Nguyễn Thị Hằng (40 tuổi, sống ở mặt Bắc của ngọn núi) cho biết: Mỗi khi đến thời điểm tháng 7, tháng 8 trong năm, người dân ở đây rất lo lắng vì mưa diễn ra nhiều lần và kéo dài khiến đất trên núi bị nhũn ra, tiềm ẩn nguy cơ đổ ập xuống hàng chục căn nhà ở phía dưới. Trời cứ mưa to và kéo dài là dân ở đây lại sợ. Lúc trời mưa, ban ngày thì chúng tôi mặc áo mưa, đứng ra đường và nhìn lên ngọn núi xem có sự bất thường nào hay không. Buổi tối, khi buộc phải ở trong nhà thì chúng tôi không dám ngủ vì chỉ cần chủ quan một chút, đất và cây có thể trôi xuống, nhấn chìm bất kỳ căn nhà nào.

Bà Nguyễn Thị Thường – Trưởng thôn Cụ Thôn cho biết: Xung quanh núi Gũ là nơi sinh sống của 71 hộ, trong đó, 36 hộ sống ở mặt Bắc với 111 nhân khẩu thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. “Năm 2015, 2017 và khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2022 vừa rồi, ở phía Bắc có khoảng 10 hộ dân bị đất đá trôi xuống phía sau nhà, phải mất cả tuần để xúc đi. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đề nghị chính quyền có biện pháp đảm bảo an toàn cho họ, tuy nhiên, đến nay, phương án xử lý vẫn là chưa có” - bà Thường nói.

Ông Ngô Văn Thọ - cán bộ địa chính xã Lĩnh Toại cho biết: Năm 2015 và 2017, có tổng cộng 2 hộ đân bị vùi lấp nhà cửa do đất đá từ trên núi Gũ sạt xuống. Trong đợt đi kiểm tra thực địa mới nhất vào tháng 5/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện có rất nhiều vết nứt lớn xuất hiện tại phần đỉnh và thân núi. “Có 2 vết nứt lớn nhất, mỗi vết có chiều dài trên 100m, rộng khoảng từ 50 - 60cm. Còn đối với các vết nứt nhỏ có vô số kể, đếm không xuể được”- ông Thọ nói.

Ông Mai Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại thừa nhận: Việc hàng chục hộ dân ở ven chân núi Gũ đang sống trong vùng nguy hiểm do sạt lở là đúng thực tế. “Năm 2018, cấp trên đã cho triển khai công trình chống sạt lở phía Nam của núi Gũ và từ đó đến nay, tình trạng sạt lở đã cơ bản được hạn chế. Còn đối với các hộ dân sống ở phía Bắc, chúng tôi cũng đã có báo cáo thực trạng này lên UBND huyện Hà Trung, xin phương án chống sạt lở nhưng chưa có phương án xử lý.

Ông Mai Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết, về phương án tạm thời thì mỗi khi mùa mưa bão đến, địa phương sẽ cắm biển cảnh báo, đồng thời thông báo trên loa đài đề nghị các hộ dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn khi cần để phòng ngừa nguy cơ sạt lở núi.

ĐÌNH MINH