Thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn
Ngày 25/7, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản số 4864/UBND-KTTH về việc, khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn.
Tạm ứng quá hạn hàng trăm tỷ đồng
Theo Báo cáo số 288/BC-KBQN của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Quảng Nam mới đây về tình hình tạm ứng vốn đầu tư công cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, số dư tạm ứng vốn đầu tư: 2.546,840 tỷ đồng, gồm: Tại KBNN tỉnh 1.341,952 tỷ đồng, tại các KBNN huyện 1.204,888 tỷ đồng. Trong đó, số dư tạm ứng quá hạn 545,171 tỷ đồng, gồm: tại KBNN tỉnh 114,354 tỷ đồng, tại các KBNN huyện 430,817 tỷ đồng.
Theo KBNN, qua công tác theo dõi, kiểm soát vốn tạm ứng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, cụ thể: “Do các nguyên nhân “cố hữu” trong chính sách, trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dẫn đến vốn đã tạm ứng nhưng không thể chi trả, làm tăng số dư tạm ứng quá hạn. Một số chủ đầu tư không thường xuyên, thiếu kịp thời theo dõi thời hạn thu hồi vốn tạm ứng, dẫn đến quá hạn thu hồi đã được thỏa thuận cụ thể theo từng đợt trong Hợp đồng kinh tế” - báo cáo nêu rõ.
Cùng với đó, một số văn bản bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng không đúng về “thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng” được quy định tại Nghị định số 37 ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Nghị định số 99 ngày 11/11/2021 của Chính phủ. Tại 2 Nghị định này đều quy định: “Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng”. Tuy nhiên, một số văn bản bảo lãnh lại quy định cụ thể thời điểm hiệu lực của bảo lãnh, nếu chủ đầu tư không theo dõi, rà soát đề nghị gia hạn, dẫn đến bảo lãnh tạm ứng hết hiệu lực, làm tăng số dư tạm ứng quá hạn.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, không đầy đủ báo cáo tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo quy định. Ngoài các tồn tại, khó khăn nêu trên, còn nhiều nguyên nhân khác như việc bàn giao chủ đầu tư không cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm xử lý số dư tạm ứng quá hạn; một số nhà thầu giải thể, một số nhà thầu không hợp tác,... làm cho số dư tạm ứng kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi.
Khẩn trương thu hồi
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí, ngoài các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư, mới nhất là công văn số 2245 ngày 17/4/2023 về rà soát số vốn tạm ứng đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách Nhà nước và công văn số 2563 ngày 27/4/2023 về khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư quá hạn. Do đó KBNN đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản nêu trên.
KBNN cũng đề xuất đưa nhiệm vụ kiểm tra tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư vào nội dung kiểm tra của Tổ công tác kiểm tra tình hình thực hiện, giải ngân và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước theo Quyết định số 1429 ngày 25/6/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Ngày 25/7/2023, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành văn bản số 4864 về việc, khẩn trương thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn. Văn bản nêu rõ: Không để phát sinh mới nợ tạm ứng quá hạn, tập trung xử lý triệt để nợ tạm ứng quá hạn. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc không tập trung xử lý dứt điểm nợ tạm ứng quá hạn cũ và để phát sinh thêm mới. Rà soát nợ tạm ứng quá hạn để phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh lập thủ tục hoàn ứng nếu dự án có khối lượng thực hiện, đã được nghiệm thu, không chờ thẩm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành mới thanh toán hoàn ứng và đảm bảo thu hồi tạm ứng đúng theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét biện pháp chế tài trong tham gia đấu thầu các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh; điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư,… đối với trường hợp nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp thu hồi.