Tìm lại 'hấp lực' của nghệ thuật truyền thống

T.H 26/07/2023 09:05

Nhiều năm qua, việc “tìm” khán giả cho sân khấu truyền thống vẫn là vấn đề khó khăn. Đáng buồn hơn là một bộ phận khán giả quay lưng với sân khấu truyền thống. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng không thể bắt người trẻ yêu thứ mà họ không biết. Vì sao?

Làng Thổ Hà (Bắc Giang) vẫn giữ được nghệ thuật Tuồng truyền thống.

“Xa mặt cách lòng”

Nói như lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam thì vào những năm 70, 80 của thế kỷ XX khi mà nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại còn là xa xỉ thì nghệ thuật truyền thống có nhiều “đất sống”. Nhưng rồi theo thời gian, lớp trẻ có nhiều lựa chọn hơn và cũng ít được trang bị hiểu biết về sân khấu, về nghệ thuật truyền thống nên ngày càng “xa mặt cách lòng” hơn.

Theo nhà văn Ngô Thảo, khi xã hội phát triển, điều kiện sống được cải thiện, các phương tiện giải trí ngày càng nhiều, nếu lớp trẻ không được chuẩn bị một định hướng chuẩn xác thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng. “Sự thờ ơ và ít hiểu biết về nghệ thuật truyền thống của lớp trẻ hiện nay là trách nhiệm ở người lớn, đặc biệt hệ thống giáo dục. Ở nhà trường, chương trình chính khóa không dạy mà ngoại khoá cũng không hề nhắc, vì thế, không thể bắt người trẻ yêu thứ họ không biết” - ông Ngô Thảo nói.

Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng nhiều năm qua các loại hình sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương... thì ngôn ngữ, bối cảnh các vở diễn đặt ra đã rất cách xa con người hiện đại. Không khác nào “đẩy” giới trẻ ra xa hơn vì không tìm thấy sự đồng điệu. Trong khi đó, chương trình sân khấu học đường đã được thực hiện ở một số trường học nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Vẻ đẹp cần có của sân khấu đã không toát lên được bởi cách “giảng” không cuốn hút.

Việc giới lãnh đạo các nhà hát sân khấu truyền thống liên tục đề nghị cần có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sao đưa được các chương trình nghệ thuật vào học đường một cách bài bản, chuẩn chỉ nhưng cũng vẫn dừng lại ở ý kiến. Cũng có nghĩa là chúng ta vẫn không chuẩn bị được những thế hệ khán giả mới cho sân khấu truyền thống nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung.

Từ đó, không ít ý kiến cho rằng hiện sân khấu truyền thống đang lâm vào tình thế “khủng hoảng khán giả trẻ” và cấp thiết phải có giải pháp cho vấn đề này.

Một buổi biểu diễn đậm chất cây nhà lá vườn của nhóm Chèo 48h.

“Thời oanh liệt nay còn đâu”

Trong bối cảnh đó, nhiều người lại tiếc thời vàng son của sân khấu truyền thống. Đi tìm lời giải, nổi lên câu chuyện giữ gìn bản sắc hay cách tân cho phù hợp thị hiếu khán giả trong dòng chảy đương đại. Đó là việc không mới nhưng vẫn chưa bao giờ cũ.

NSND Ánh Dương, người hơn 40 năm gắn bó với sân khấu Tuồng nhớ lại, những năm bắt đầu xóa bỏ bao cấp là thời gian mà nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng phát triển mạnh mẽ. Mỗi đêm diễn, người dân nô nức đi xem.

“Lúc bấy giờ tuy còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ không làm bất cứ công việc nào khác ngoài biểu diễn, chăm lo từng tiếng hát, vai diễn” - NSND Ánh Dương nói.

Tương tự, theo chia sẻ của NSƯT Thu Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội): "Nghệ thuật Chèo ngày xưa với bây giờ khác nhau nhiều. Tôi vẫn còn nhớ, khi ở Hà Nội có vở diễn "Nàng Sita" khán giả còn xếp sổ hộ khẩu để mua vé xem. Và cũng nhờ vào sự ủng hộ của khán giả mà tôi theo đuổi nghề được đến hôm nay".

Nhưng, “thời oanh liệt nay còn đâu”, nghệ thuật truyền thống đang phải chật vật tìm lại khán giả cho mình. Việc ý kiến cho rằng nghệ thuật truyền thống bị giới trẻ “quay lưng” là do ngày càng xuất hiện nhiều chương trình giải trí hấp dẫn, đã tạo ra những lớp khán giả hướng ngoại, từ đó nhạt lòng với nghệ thuật truyền thống. Nhận xét đó có phần đúng, nhưng không phải là tất cả. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là không chuẩn bị tâm thế văn hóa cho giới trẻ, họ không được trang bị hiểu biết nghệ thuật truyền thống nên rất khó tiếp cận, từ đó yêu mến.

Ví dụ như muốn hiểu và yêu thích được Tuồng, thì trước hết phải hiểu tích Tuồng, thì khi đi xem mới có thể hiểu được người nghệ sĩ biểu diễn, biểu đạt nhân vật đó như thế nào. Nếu không thì vẫn là chuyện nhà hát mở cửa tự do không bán vé nhưng cũng chỉ lác đác khán giả.

Trở lại với NSƯT Thu Huyền, chị kể rằng khi mang nghệ thuật Chèo đến trường học, học sinh sau khi xem xong thì bảo: "Chèo hay thế cô nhỉ!". Điều đó có nghĩa là học sinh chưa bao giờ được xem, chưa tiếp xúc với Chèo nên không thấy cái hay cái đẹp.

Trong nỗi ưu tư, NSƯT Thu Huyền nói: “Tôi tin rằng những cái mới mẻ của thời đại sẽ không làm cho nghệ thuật truyền thống mất đi. Nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ như một dòng chảy lặng lẽ và không bao giờ mất đi".

Vai trò của khán giả thực sự là một thành tố tạo nên tác phẩm nghệ thuật truyền thống chứ không đơn thuần là người tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Nhưng đáng tiếc đây lại là khâu yếu nhất khi đã không có chiến lược chuẩn bị dài hơi và sâu sắc.

Theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - nhà nghiên cứu đờn ca tài tử, văn hóa dân gian, cơ sở của yêu quý, trân trọng, tự hào phải bắt đầu từ sự hiểu biết. Muốn có một thế hệ khán giả trẻ tự hào và yêu quý nghệ thuật dân tộc, chỉ có cách duy nhất là đào tạo. Phải nhanh chóng đưa việc giáo dục nghệ thuật truyền thống thành chương trình chính khóa cho học sinh từ bậc tiểu học, để các em hiểu biết và trân trọng nghệ thuật truyền thống.

T.H