Sửa đổi Luật Di sản văn hóa
Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1963 về ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Yêu cầu việc xây dựng Dự án Luật phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, bảo đảm hiệu quả và tiến độ trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cùng với đó, phải bám sát nội dung đề nghị xây dựng chính sách của dự án Luật đã được thông qua.
Kể từ khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sau đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 thì đã có sự chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa và văn bản pháp luật khác có liên quan trong cả lĩnh vực di tích, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Mục đích xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Hiện trên cả nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xếp hạng hơn 10.000 di tích. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng 3.591 di tích cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Với di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.