Chặn trục lợi bảo hiểm y tế, giả mạo giấy tờ
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh đã khắc phục tình trạng mượn thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân... để trục lợi.
Ngăn chặn hành vi trục lợi
Ngoài việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục thêm bước tiến mới đó là ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip đang được triển khai tại 5 cơ sở khám chữa bệnh BHYT của TP Hà Nội và tỉnh Quảng Bình.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, mỗi năm có khoảng 170.000 lượt khám chữa bệnh BHYT. Trước đây, tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB), cán bộ y tế khi tiếp đón bệnh nhân phải qua 4 bước (tối thiểu) đến nay, khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học từ 4 bước nay chỉ còn 2 bước gồm: Người dân tự check in và tự xác thực sinh trắc. Thời gian rút ngắn từ 10-15 phút cho 1 điểm, nay chỉ còn 6-15 giây; Chỉ cần 1 cán bộ y tế hỗ trợ cho tất cả các quầy xác thực (1 buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm 1-1,5 giờ). Với tính ưu việt này, người bệnh được phân luồng sớm hơn, tiết kiệm chi phí tuân thủ, di chuyển, công bằng trong việc lấy số thứ tự KCB.
Tại cơ quan BHXH giúp khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT, CCCD, tiết kiệm chi phí…; Quản lý chặt chẽ (chính xác), tránh trục lợi, phục vụ tốt công tác giám định, kiểm tra, thanh tra, quản lý.
Theo BHXH Việt Nam, trước đây, cán bộ bộ phận 1 cửa kiểm tra CCCD khó xác định thật, giả. Hiện nay, người dân thực hiện sinh trắc, xác định chính xác. Khi sử dụng CCCD được lưu lại phục vụ công tác quản lý, tra cứu sau này. Từ đó, giúp cơ quan BHXH xác thực căn cước công dân thật, giả; xác định danh tính công dân; phát hiện, hạn chế trục lợi, gian lận, giả mạo giấy tờ để trục lợi.
Đánh giá hiệu quả của ứng dụng xác thực sinh trắc, bà Lê Minh Lý - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, bình quân mỗi ngày có 200 - 220 người dân hưởng lợi từ thí điểm xác thực sinh trắc học trên CCCD gắn chip tại bộ phận một cửa từ ngày 8/11/2022 đến nay. Tuy vậy, cơ quan chức năng cũng phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chip giả để làm hồ sơ hưởng BHXH 1 lần. Cụ thể, từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, bộ phận một cửa tại văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 3 người sử dụng CCCD gắn chip, nghi ngờ là giả đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần. Tổng số tiền nếu được tiếp nhận và giải quyết ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Sau đó, BHXH tỉnh Bình Dương đã báo cáo cơ quan công an để xem xét, xác minh và xử lý. Đồng thời, ngành BHXH cũng thông báo đến các tỉnh thành lưu ý, cảnh giác.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Với hơn 11 triệu người dân hưởng các chế độ BHXH/năm, BHXH Việt Nam cho rằng, việc triển khai xác thực sinh trắc học trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là rất ý nghĩa, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí và tăng cường quản lý của các cơ quan, chống lãng phí, trục lợi.
Tính đến ngày 15/7, hệ thống đã xác thực được gần 89 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ hơn 123 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở để BHXH Việt Nam tiến hành chuyển đổi sang sử dụng số định danh cá nhân, số CCCD thay thế cho mã số BHXH.
“Mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Nếu áp dụng hệ thống sinh trắc học thì thời gian, chi phí của bệnh nhân giảm, chẳng hạn 1.000 đồng/người thì làm lợi ít nhất 170 tỷ đồng/năm. Về lâu dài, ngành BHXH sẽ nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn, phân luồng người khám bệnh” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành, có sự phối hợp rất sớm, thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Theo ông Ngọc, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm cơ sở dữ liệu quốc gia. “Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện”- ông Ngọc cho biết.
Thiết bị chuyên dụng sinh trắc vân tay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp, đặt tại quầy tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm tỉnh. Người dân đến làm thủ tục sẽ được hướng dẫn qua quầy sinh trắc riêng. Cán bộ tiếp nhận đối chiếu và thực hiện sinh trắc vân tay trên căn cước gắn chíp. Nếu đúng danh tính, người dân được chuyển sang quầy tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tích hợp xác thực sinh trắc học có thời gian xác thực từ 6 - 13 giây/lượt, độ chính xác cao và chỉ cần một cán bộ y tế cho các quầy xác thực.