Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn
Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất chăn nuôi của nước ta rất lớn. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của ngành chăn nuôi là còn lỏng lẻo trong kết nối giữa khâu sản xuất và thị trường dẫn đến năng lực cạnh tranh kém. Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là đời sống người chăn nuôi bấp bênh...
Đó là nhận định của các đại biểu tại Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi diễn ra sáng 25/7.
Ngành chăn nuôi hiện thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, điển hình là dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ năm 2019 và đến nay vẫn còn tồn tại vài ổ dịch nhỏ lẻ ở các địa phương; hay dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm..., khiến người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Con số cơ sở chăn nuôi an toàn là rất khiêm tốn. Ước tính cả nước có khoảng 2.230 cơ sở an toàn dịch bệnh, ngay như "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai cũng chỉ có 7 vùng an toàn dịch bệnh được công nhận.
Trong khi đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; là mấu chốt để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Là một trong những trang trại đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 bên để xuất khẩu gà đi Nhật Bản, ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi Trang trại Miền Đông, Đồng Nai cho biết, tham gia chuỗi từ năm 2015, trải qua gần 3 năm, đến ngày 29/9/2017, lô hàng gà đầu tiên của trang trại được công ty Koyu & Unitek (đối tác trong chuỗi liên kết lo con giống, cám, đầu ra) xuất vào thị trường Nhật Bản. Từ đó tới nay công việc xuất khẩu gà của trang trại tiến hành rất ổn định và liên tục phát triển.
Tuy nhiên theo ông Kha, Nhật Bản là thị trường khó tính, tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm cao. Trước khi muốn vào thị trường Nhật Bản, các sản phẩm chăn nuôi cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam được quy định trong bộ tiêu chuẩn quy định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đó là về: Hồ sơ pháp lý trang trại phải đầy đủ như giấy phép xây dựng, giấy đầu tư, an toàn dịch bệnh... Sau đó, để xuất qua thị trường Nhật Bản, cần phải trải qua quá trình hỗ trợ của các cấp ngành để xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
“Sản phẩm thịt gà muốn xuất sang Nhật Bản cần phải làm các xét nghiệm loại trừ kháng sinh và các chất cấm. Trước 10 ngày không được dùng kháng sinh nên an toàn dịch bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo đàn gà sinh trưởng tốt nhất, tránh thiệt hại, rủi ro. Tiếp đến vấn đề an toàn sinh học, kế hoạch an toàn dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu” - ông Kha nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, dù ngành chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực song công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. “Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, loại vật nuôi nào chúng ta cũng có, và dịch bệnh nào chúng ta cũng có. Đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thanh toán được dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào. Tôi cho đấy là vấn đề phải sớm có giải pháp” - ông Dương nói.
Nói về thực trạng của hệ thống thú y hiện nay, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thực trạng hiện nay thú y cơ sở cấp huyện, xã hiện chưa thống nhất trên cả nước. Cả nước mới có 33/63 tỉnh có trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập trạm chăn nuôi thú y với các ngành dịch vụ khác.
“Hiện nay chúng ta đang triển khai đề án 414 về tăng cường năng lực ngành thú y, đã có nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng này tinh gọn nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch. Từ năm 2021, khi thực hiện đề án này đến nay, một số tỉnh, thành phố đã lập lại một số trạm thú y, một số tỉnh, thành đã có lộ trình để thực hiện tinh thần chỉ đạo của đề án trên, giúp công tác chỉ đạo điều hành thông suốt và chúng tôi đang hy vọng việc phòng, chống dịch bệnh của lực lượng thú y sẽ tốt hơn trong thời gian tới” - ông Minh nói.
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, để xuất khẩu sản phẩm động vật chế biến phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, địa phương cần có cơ chế chính sách, thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cùng phối hợp xây dựng. Mục tiêu đầu tiên là chăn nuôi an toàn để đạt hiệu quả cao, tiến đến xuất khẩu sản phẩm. Theo đó việc kiện toàn hệ thống thú y, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng.