Khởi nghiệp của người trẻ
Thời gian qua, không ít bạn trẻ tốt nghiệp đại học chọn khởi nghiệp bằng cách trở thành Tiktoker, Facebooker (gọi chung là Tiktoker). Và chính những Tiktoker này lại liên tục đưa ra những lời khuyên hướng nghiệp trên mạng xã hội, kể cả chỉ ra “những đại học vô dụng”. Vậy, câu chuyện này sẽ dẫn tới đâu?
Trên mạng xã hội, một số Tiktoker cho rằng Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự là những ngành có bằng đại học vô dụng nhất và đăng tải những clip khuyên bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này. Điều đó khiến những học sinh muốn chọn trường đại học hoang mang, người đang học cũng như phụ huynh của họ bối rối, còn giáo viên các ngành học đó bực bội.
Đưa ra lời khuyên cũng là chuyện bình thường, nhưng mang tính chủ quan, cá nhân thì rất dễ là những lời khuyên lệch lạc, có khi còn nguy hiểm. Nói như ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM) thì Tiktok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân, nhưng với số lượng rất đông giới trẻ “chơi” Tiktok thì việc diễn giải chủ quan sẽ ảnh hưởng đến người khác. Ông Sơn lo ngại những clip như vậy sẽ làm cho các bạn trẻ lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc. Học ngành gì cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tốt hơn nhiều so với việc không học.
Còn theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương thì trong thời đại hiện nay hiếm có ai ra trường có thể làm nghề chỉ bằng kiến thức, kĩ năng học ở đại học mà phải tự học không ngừng. Các kiến thức, kĩ năng, phương pháp... học được sẽ được chuyển hóa, sử dụng vào công việc mới, giúp cho công việc trở nên tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Thông tin trên mạng xã hội như Tiktok có thể nói là “thượng vàng hạ cám” cái gì cũng có. Trong đó có cả những kiến thức “ngụy khoa học”, những lời khuyên nguy hiểm xuyên thủng lỗ hổng kiến thức của nhiều người mà không phải ai cũng có thể nhận ra.
Không ít các bậc phụ huynh lo lắng con em mình tuyên bố sẽ “khởi nghiệp” bằng cách trở thành Tiktoker mà từ chối vào đại học, hoặc có học đại học thì cũng chỉ là chỗ “ở nhờ” vì tâm trí, sức lực, thời gian, sự đam mê đều dành cho mạng xã hội. Đáng nói là trên mạng lại lan truyền nhiều người kiếm tiền dễ như bỡn qua việc biến mình thành Tiktoker. Mỗi tháng trăm triệu đồng là thường, tiền tỉ cũng không ít. Từ đó, tranh luận trên mạng bùng lên rằng nếu làm Tiktoker kiếm được nhiều tiền như vậy thì việc gì phải bỏ ra 4-5 năm học đại học rồi sau đó chỉ làm nhân viên văn phòng "lương ba cọc ba đồng"?
Cuộc tranh luận không chỉ cuốn giới trẻ mà cả các bậc phụ huynh. Họ cũng chia làm hai phe, một ủng hộ, một phản đối. Người ủng hộ cho rằng nếu con họ muốn theo đuổi con đường làm Tiktoker thay vì học đại học thì sẽ ủng hộ. Những gì là chuẩn mực trước đó về công việc, thu nhập đã bị biến đổi theo công nghệ, mạng xã hội mà các bậc cha mẹ “không kịp trưởng thành” nên hãy để người trẻ lựa chọn.
Người phản đối cho rằng đó không phải là con đường bền vững để con có thể theo đuổi trong một khoảng thời gian dài. Khi lựa chọn như vậy là con họ đang đánh đố bản thân, vì giữa hàng vạn người thì có mấy ai nổi tiếng và được mọi người yêu thích. Có phụ huynh còn nói: "Tôi thấy đa phần Tiktoker đều nhảy nhót trên mạng, không thì cũng đi đến các quán thử đồ ăn rồi đưa ra cảm nhận. Tôi không muốn nhìn thấy con tôi như vậy. Lúc “kiếm ăn” được đã đành, khi không được thì sao?".
Trường học cung cấp kiến thức nền, gợi mở tư duy, đó là hành trang vào đời cực kỳ quan trọng với bất cứ ai. Không có ngành nghề nào vô dụng, không kiến thức nào bị uổng phí. Muốn làm Tiktoker cũng phải có kiến thức, có văn hóa, có trải nghiệm và trong số hàng vạn người khởi nghiệp kiểu này thử hỏi mấy người thành công? Đó là việc phải được cân nhắc thấu đáo vì “cuộc chơi” này sẽ lấy mất quãng thời gian quý giá trong cuộc đời mỗi người nếu như thất bại .
Nhân câu chuyện này, xin được dẫn thông tin từ ET Today, nói về việc mới đây nền tảng Weibo của Trung Quốc đã có một cuộc thăm dò khảo sát với chủ đề "Những người trẻ tuổi đương đại quan tâm đến điều gì trong công việc?". Trong số gần 10.000 sinh viên mới tốt nghiệp được phỏng vấn có tới 61,6% cho biết sẽ xem xét các nghề nghiệp mới nổi như làm streamer (người thực hiện phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội), trong khi chỉ 38,4% không cân nhắc đến công việc này. Tuy nhiên, Trần Hiểu Hà - chuyên gia tư vấn cấp cao về phát triển tài năng, từng giảng dạy tại Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) đã cho biết sự khắc nghiệt, đó là "luật 20-80": Chỉ 20% số người có chút ít thành công, còn lại 80% thất bại. Trong 20% thành công thì 95,2% có thu nhập hàng tháng dưới 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16 triệu đồng).
“Hãy đưa ra đánh giá hợp lý xem mình có phù hợp để trở thành Tiktoker hay không trước khi bước vào vì không thể lựa chọn công việc chỉ vì nhìn thấy một vài người thành đạt, trong khi nhiều phần chính ta sẽ nằm trong số những người thất bại” - ông Trần Hiểu Hà nói.