Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp
Sáng 26/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên”.
Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ tư vấn đối với công tác Mặt trận, thực hiện Điều lệ MTTQ Việt Nam và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên thành lập 3 Hội đồng tư vấn cấp tỉnh gồm: Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật; Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội; Hội đồng tư vấn về Dân tộc-Tôn giáo.
Thời gian qua, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động công tác Mặt trận nói chung, nhất là lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Mặc dù cơ chế hỗ trợ về kinh phí hoạt động còn thấp nhưng các thành viên Hội đồng tư vấn đã luôn tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tâm huyết.
Về kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp thời gian qua, theo MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Thực hiện hướng dẫn của Nghị quyết liên tịch số 403, quý 4 hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội lựa chọn, hiệp thương thống nhất nội dung, phạm vi, đối tượng, hình thức giám sát, phản biện xã hội để tránh chồng chéo, xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm tiếp theo.
Việc lựa chọn nội dung giám sát, được hiệp thương, thống nhất trên cơ sở nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề được đông đảo người dân, đoàn viên, hội viên quan tâm, bức xúc, còn nhiều phản ánh, kiến nghị. Những thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông về những vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, lợi ích của Nhà nước theo quy định của pháp luật, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND cùng cấp tại kỳ họp thường lệ cuối năm về các nội dung văn bản sẽ trình tại kỳ họp HĐND năm tiếp theo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị-xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định của Luật MTTQ Việt Nam lựa chọn dự thảo văn bản chủ trì phản biện xã hội để đưa vào dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Căn cứ kế hoạch giám sát, phản biện chung của Ủy ban MTTQ tỉnh, và các đoàn thể chính trị-xã hội hằng năm, từng tổ chức xây dựng kế hoạch giám sát, kế hoạch phản biện xã hội theo từng nội dung được phân công chủ trì. Kế hoạch được gửi tới các cơ quan, đơn vị được giám sát, có văn bản được phản biện xã hội đảm bảo đúng thời gian quy định, đồng thời gửi cấp ủy cùng cấp, Ủy ban MTTQ cấp trên để báo cáo và các cơ quan liên quan để phối hợp.
Trong các hình thức giám sát được quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội chủ yếu lựa chọn hình thức giám sát gồm: Tổ chức đoàn giám sát; Giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Từ năm 2018 đến năm 2022, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, tổ chức giám sát 1.289 chuyên đề bằng hình thức thành lập đoàn giám sát.
Trong 5 năm qua, các Ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 2.470 cuộc giám sát, kiến nghị giải quyết 209 vụ việc. Các nội dung kiến nghị được cấp có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết.
Các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng của các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 3.632 cuộc giám sát, kiến nghị giải quyết 367 vụ việc. Nội dung kiến nghị được chủ đầu tư, nhà thầu, cấp có thẩm quyền tiếp thu, khắc phục, chỉ đạo giải quyết, góp phần đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ thi công.
Cũng trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ phối hợp tham gia 144 cuộc giám sát, các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh tham gia 234 cuộc giám sát. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cáp huyện, cấp xã phối hợp tham gia 2.525 cuộc giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc thực hiện các hình thức phản biện xã hội, trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội đã tổ chức phản biện xã hội 309 dự thảo văn bản.
Sau giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp ban hành văn bản kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với những quy định của pháp luật còn bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản được phản biện xã hội.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giám sát đã tiếp thu, chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội. Nhiều kiến nghị đã được giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đã chỉ ra, giải trình có ý kiến phản biện xã hội bằng văn bản.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và đặc biệt là đại biểu các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả đạt được, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong qua trình tham gia tư vấn, tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp, đề xuất, hiến kế cho MTTQ các cấp những giải pháp cụ thể trong công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh nhấn mạnh, yêu cầu nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ ngày càng cao, đòi hỏi am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ công tác Mặt trận rất nhiều nội dung, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận rất mỏng.
Do đó một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ là phải tăng cường phát huy các lực lượng xã hội, nhất là đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội. Đó chính là thành viên các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn của MTTQ. Đây chính lực lượng quan trọng tham gia tư vấn, giúp cho MTTQ các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Mặt trận nói chung, đặc biệt là nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
Với những ý kiến, đề xuất, hiến kế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ các cấp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh yêu cầu các ban chuyên môn của Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tiếp thu, triển khai nhân rộng những cách làm hay để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.