Luật hóa điều hành giá điện
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công thương đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ: thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng. Đề xuất này của Bộ Công thương lập tức nhận được nhiều ý kiến.
Cùng với việc điều chỉnh rút ngắn thời gian tính giá điện, Bộ Công thương cũng cho rằng giá điện sẽ được tính toán dựa trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Về cơ hội giảm giá, theo Bộ Công thương, nếu các thông số đầu vào các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) giúp giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bình quân hiện hành, thì EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Tuy nhiên, trong trường hợp giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận thì tăng giá.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia tài chính đã có ý kiến. Theo PGS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), điện là mặt hàng hết sức nhạy cảm nên từ năm 2017 đến nay mới có 2 lần được điều chỉnh tăng. Mặc dù năm 2022 ngành điện lỗ lớn, theo đề nghị cần được tăng giá điện đến 13% nhưng thực tế chỉ được phép tăng 3%. Từ mốc điều chỉnh 6 tháng nay lại đề xuất rút ngắn còn 3 tháng sẽ rất dễ khiến dư luận không đồng thuận.
Cũng như ông Long, nhiều ý kiến lưu ý điện tác động “luôn và ngay” tới mọi thành phần xã hội, vì thế không phải muốn tăng - giảm lúc nào cũng được. Mặt hàng điện cũng rất khó thực hiện theo cơ chế thị trường như giá xăng dầu, vì điện phải hạch toán theo toàn ngành, nên trong thời gian 3 tháng điều chỉnh giá bán lẻ bình quân 1 lần sẽ không phản ánh được các yếu tố cần và đủ. Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 6 tháng xuống còn 3 tháng không có tính khả thi.
PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, việc đề xuất 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần là không cần thiết. “Có thị trường mua bán rõ ràng, không có yếu tố độc quyền thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa. Đằng này, thị trường điện vẫn đang vận hành theo mô hình độc quyền, trong đó EVN vừa sản xuất và kinh doanh điện” - ông Thịnh nêu ý kiến và nhấn mạnh việc trao quyền được tăng đến 5% giá bán lẻ điện bình quân vào tay một doanh nghiệp độc quyền là không ổn. Theo cách tính đơn giản thì giả sử EVN chứng minh được chi phí đầu vào mỗi quý tăng 5%, vậy 1 năm không lẽ tăng giá điện 20%? Từ đó ông Thịnh đề xuất thay vì 3 tháng điều chỉnh giá điện bình quân 1 lần thì quan trọng là sửa đổi luật để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai.
Ngay cả “người trong ngành” là PGS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Hà Nội được báo chí dẫn lời cũng cho rằng việc rút từ 6 tháng xuống 3 tháng được điều chỉnh giá cũng "chẳng giải quyết được gì". Quan trọng là Luật Điện lực cần sửa đổi, trong đó, luật hóa điều hành giá điện, luật hóa các quy định về thị trường điện thì may ra giá điện mới được điều tiết theo thị trường được.
Thực tế cho thấy thị trường điện Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có cách làm mới, giải pháp đột phá mới có thể tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý.
Thời gian qua, khi EVN thông báo những con số lỗ rất lớn đã cho thấy ở lĩnh vực này tồn tại những vấn đề cần được làm rõ. Bộ Công thương cũng đã thành lập đoàn thanh tra (trong vòng 1 tháng) đối với EVN về thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, chỉ 5 ngày sau khi bắt đầu thanh tra, đến ngày 15/6 EVN đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Đầu tháng 7, công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 (đã được Deloitte kiểm toán), EVN cho biết tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ (EVN) là hơn 20,7 nghìn tỷ đồng. Cũng xin được nhắc lại, khoản lỗ của EVN trong năm 2022 đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua.