Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện với mùa lũ cạn

Q.TRUNG-T. TIẾN 27/07/2023 07:12

Dự báo năm nay Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục đối diện với mùa lũ cạn mang theo nhiều hệ lụy, khi mà lũ chính là mùa mang lại nguồn “nhựa sống” cho cả vùng châu thổ. Cùng với phù sa, mùa lũ còn ban tặng cho người dân nơi đây nguồn cá tôm dồi dào. Năm nay nếu như lũ không về, ĐBSCL sẽ lại tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có xâm nhập mặn, sạt lở.

Mùa lũ đến, dù cho gặp một số khó khăn nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian rất phấn khởi với người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì vậy, mới có khái niệm “mùa lũ đẹp”. Ngược lại, đến mùa, nước không về, thì người dân lại gọi đó là “mùa lũ cạn”.

Mùa lũ 2022 ở thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự báo lũ không về

Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và tác động của hệ thống thủy điện ở thượng nguồn, những năm gần đây dòng nước sông Mekong không còn đem về nguồn lợi thủy sản dồi dào cũng như lượng phù sa màu mỡ để bồi đắp cho vùng châu thổ ĐBSCL.

Nguyên nhân khiến cho lũ ngày càng ít đi ở vùng ĐBSCL, giới chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, lưu vực sông Mekong thiếu hụt lượng mưa cộng với việc các đập thủy điện thượng nguồn tích nước đã khiến mực nước sông Mekong đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm. Các chuyên gia cũng dự báo, khả năng năm nay lũ về ĐBSCL sẽ rất thấp, thậm chí là lũ sẽ không về.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - người có nhiều công trình nghiên cứu về ĐBSCL, lũ không về ĐBSCL sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Trước mắt ảnh hưởng sinh kế của người dân sống dựa theo mùa lũ, nhất là bà con đánh bắt thủy sản. “Cá sông Mekong cần phải có nước để đẻ và trôi xuống hạ lưu. Nước càng cao, càng ngập nhiều hai bên sông ở thượng lưu thì càng có nhiều dinh dưỡng và cá có nhiều chỗ để đẻ. Nước ít thì cá chỉ ở trong lòng sông, không có nơi để đẻ. Bà con năm nay chuẩn bị đổ tiền vào ngư cụ phải dè chừng” - ông Thiện nói.

Lũ không về, người dân mất vụ cá.

Hệ luỵ tiếp theo là khi lũ không về, nước sông sẽ chảy yếu. Do đó, phù sa và cát sẽ không về, ĐBSCL sẽ càng thiếu cát. Phù sa không về thì đồng ruộng không có dinh dưỡng dẫn đến những vụ mùa sau, năng suất lúa sẽ kém và phải sử dụng phân bón nhiều hơn. “Lâu nay, nông dân làm lúa 3 vụ trong đê bao khép kín, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đắp nhiều công trình cản trở dòng chảy. Nước lũ không về thì không rửa được đồng ruộng, kênh mương, sông ngòi dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở ĐBSCL tích tụ thêm và càng nặng hơn” - ông Thiện nói và cho biết, tiếp nối sau việc lũ không về, sau Tết, đến mùa khô, ĐBSCL sẽ xảy ra hạn mặn gay gắt nếu El Nino thật sự mạnh như 2015-2016, 2019-2020. Và nếu El Nino mạnh hơn các năm đó thì tình hình hạn mặn ở ĐBSCL sẽ tồi tệ hơn.

“Lúc này, ở vùng cửa sông Cửu Long (nơi giao thoa của sông và biển), nước mặn sẽ xâm nhập do lúc này sông Cửu Long rất yếu. Đối với vùng bán đảo Cà Mau, chế độ mưa sẽ quyết định mặn ngọt vì vùng này nhận rất ít nước của sông Cửu Long. Vùng này bản chất là mặn nhưng nhờ 6 tháng mùa mưa, lượng nước mưa phủ lên bề mặt nên lúc này sẽ ngọt. Qua mùa khô, lớp nước ngọt này bốc hơi dần dần. Năm nào mưa càng ít thì vùng này chuyển sang mặn càng sớm. Như vậy, trong tình huống năm nay mưa cực kỳ thấp thì mùa ngọt ở Bán đảo Cà Mau sẽ có thể kết thúc sau tháng 1, một thời gian ngắn sau khi kết thúc mùa mưa” - ông Thiện phân tích.

Một con kênh tại huyện (Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cạn khô.

Chủ động thích ứng, tạo kế sinh nhai

Khi nguồn nước và tài nguyên thủy sản ngày một ít đi, thay vì ngồi đó chờ “mùa lũ đẹp” thì nhiều năm nay, nông dân ở thượng nguồn Đồng Tháp, An Giang có những cách ứng phó mới, từng bước thích nghi với những “mùa lũ cạn”. Thay vì đánh bắt thủy sản, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thì nay nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi trồng.

Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, những năm gần đây, địa phương đang triển khai dự án WB9 (Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững). Trong đó, địa phương có thử nghiệm các mô hình sản xuất vào mùa lũ thấp. Hiện nay, các mô hình lúa sen, mô hình nuôi thủy sản đăng quầng (hình thức nuôi thủy sản sử dụng diện tích mặt nước ven bờ sông, kênh, rạch là 2 mô hình được đánh giá khá tốt khi tạo được sinh kế cho bà con vùng đầu nguồn khi mùa lũ về.

Trước dự báo lũ về thấp, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo người dân vùng đầu nguồn tiếp tục thực hiện mô hình nuôi thủy sản đăng quầng. “Năm nay khả năng lũ về thấp và không được như năm trước. Từ mô hình nuôi thủy sản đăng quầng với sự hỗ trợ từ dự án WB9 thì nông dân tích luỹ được nguồn vốn. Trước đây, nguồn nước nhiều, thủy sản dồi dào thì người dân thượng nguồn sẽ đánh bắt tự nhiên còn bây giờ dựa vào nguồn nước ngập đồng người ta sẽ nuôi cá đăng quầng kết hợp dẫn dụ cá tự nhiên vào, mang lại hiệu quả khá tốt và người dân cũng đã hợp tác với nhau để làm. Năm nay, trước tình hình dự báo lũ về thấp, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân đầu nguồn thực hiện mô hình này” - ông Thọ thông tin.

Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp - người cũng có nhiều nghiên cứu về kinh tế ĐBSCL cho rằng, việc hỗ trợ, xây dựng các mô hình sinh kế phải có tính thích ứng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tránh đổ vỡ khi điều kiện thay đổi. “Dự báo năm nay nếu như không có mùa lũ thì phải có hệ thống thích ứng chuyển đổi ngắn hạn. Các địa phương phải chuẩn bị tích cực, sẵn sàng chuyển trạng thái, nếu năm nay không có lũ thì vận hành ngay các mô hình đó. Nếu nước lũ cao, thì vận hành các mô hình khai thác thủy sản… Chúng ta phải chấp nhận hiện trạng và thích ứng. Những năm qua, chúng ta đã thấy được vấn đề này nhưng bước chuyển hiện nay vẫn còn chậm” - ông Hiệp nhận định.

Về lâu dài, theo ông Hiệp, cần phải phát triển thêm các ngành nghề phi nông nghiệp ở ĐBSCL để chuyển đổi một phần lao động lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. “10 năm qua, gần 1,3 triệu người rời khỏi ĐBSCL vì nguyên nhân chủ yếu là sinh kế. Khi người ta không tìm được sinh kế ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, người ta phải đi đến các tỉnh, thành khác. Do đó, ĐBSCL phải chuyển đổi một phần lao động lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Muốn chuyển đổi như vậy thì không thể là câu chuyện một sớm một chiều mà là lâu dài. Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề. Bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo ở ĐBSCL hiện nay đang thấp nhất nước” - ông Hiệp cho biết thêm.

Theo GS Võ Tòng Xuân, do nhiều năm lũ không về nên một bộ phận người dân ĐBSCL lâu nay trông chờ vào nguồn thu nhập từ lũ gặp không ít khó khăn. Vì vậy một số ít đã phải bỏ đi nơi khác hay tìm việc khác để mưu sinh. Số ít còn bám trụ lại địa phương một phần hi vọng lũ sẽ về, phần còn lại trông chờ vào những công việc mang tính thời vụ, nhàn rỗi để làm. Chính quyền địa phương cần tính toán tới việc này. Chúng ta đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thay vì bán các sản phẩm thô, cần hướng tới bán các sản phẩm qua chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Q.TRUNG-T. TIẾN