Gỡ rào cản để phát triển nghề cá
Quảng Ngãi hiện có 4.573 tàu cá, trong số đó hoạt động vùng khơi là 3.261 tàu. Để nghề cá được phát triển bền vững, thời gian qua địa phương này đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền.
Các cảng cá đều quá tải
Sau những ngày lênh đênh trên biển, ngư dân Nguyễn Tấn Toàn (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) lại đưa tàu cá QNg 91439 TS vào cập cảng Tịnh Hòa để bán hải sản cho thương lái. Tại đây, ông Toàn cho biết, các cảng cá ở Quảng Ngãi ra vào rất khó khăn, dễ xảy ra va chạm với các tàu thuyền khác, nguyên nhân là do luồng lạch ra vào hẹp và cạn.
“Mỗi chuyến biển trở về, trở ngại lớn nhất là tìm chỗ neo đậu tàu thuyền, nhưng do luồng lạch chật hẹp việc đưa tàu vào cảng rất khó khăn” - ngư dân Toàn nói.
Còn ngư dân Phạm Thành Tâm (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) cho biết: “Mỗi khi vào mùa mưa bão, tôi phải cho tàu vào cảng Tịnh Hòa để neo đậu trú tránh bão, nhiều lần vào muộn là không còn chỗ neo trú. Tôi mong muốn Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng neo trú, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi”.
Thực tế, nhiều cảng cá tại Quảng Ngãi có cơ sở hạ tầng thô sơ, không đảm bảo cho hoạt động của tàu thuyền. Tại cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hạ tầng chưa được đầu tư hiện đại cộng với luồng lạch ra vào cảng cá thường xuyên bị bồi lấp, không đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện mỗi khi ra vào. Vì vậy, thay vì đáp ứng mục tiêu neo đậu cho 500 tàu, công suất dưới 400CV/chiếc, chỉ có 30 tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ cập bến mỗi ngày.
Bà Đặng Thị Ngọc Ánh - Trưởng Ban quản lý (BQL) cảng cá Sa Huỳnh cho biết, hiện nay luồng lạch ra vào cảng cá Sa Huỳnh bị bồi lấp nghiêm trọng, do đó các tàu thuyền công suất 90CV trở lên thường phải chờ thủy triều dâng cao mới vào cảng được. Chính vì lý do đó, nhiều chủ tàu thuyền e ngại không cho tàu vào cập cảng mà chở hải sản đi bán ở một số cảng cá khác.
“Nếu cảng Sa Huỳnh được đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét luồng lạch thì có thể đáp ứng được khu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền vào neo đậu trú tránh bão, với diện tích mặt khoảng 4,5ha , giúp nghề cá phát triển và là nơi trú tránh bão an toàn cho tàu thuyền” - bà Ánh chia sẻ.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng
Trước tình hình trên, hiện nay BQL dự án Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp cùng UBND TP Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định (TĐC) cư để sớm có mặt bằng triển khai thực hiện việc nâng cấp, mở rộng cảng cá Tịnh Hòa, nâng cao năng lực neo trú từ 350 tàu lên 1.150 tàu.
Ông Phan Quốc Cường - Phó Giám đốc BQL dự án cho biết, dự án được Bộ NNPTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 400 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng.
“Hiện nay công tác thiết kế bản vẽ thi công và bồi thường, GPMB, TĐC đang được đẩy nhanh thực hiện, nhằm đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ, sớm đưa công trình đi vào vận hành, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngư dân. Công trình nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa được xem là công trình trọng điểm của Quảng Ngãi trong lĩnh vực thủy sản, giải quyết thêm chỗ neo đậu cho 800 tàu cá công suất lớn” - ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư sửa chữa 5 công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Hiện 5 cảng cá này đã được sửa chữa xong, với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, dự kiến sẽ thu hút ngư dân đưa tàu về buôn bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh.