Mặt trận

Nâng mức sống gia đình người có công

Lan Hương (thực hiện) 27/09/2023 07:01

Theo ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hành trình 76 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công dần được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Ông Đào Ngọc Lợi.

Ông Đào Ngọc Lợi cho biết, chính sách ưu đãi người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ.

Từ năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là 2 văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng chăm sóc thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Duy Hưng.

Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: trên 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước ngày khởi nghĩa 19/8/1945: gần 16.500 người; Liệt sĩ: trên 1,2 triệu người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: gần 140.000 người.

Bên cạnh đó, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ ưu đãi khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: Chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở… Hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính.

PV: Hiện nay trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 cũng như lạm phát, nguồn lực dành cho công tác chăm sóc người có công có thay đổi không thưa ông?

Ông Đào Ngọc Lợi: Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành trên 30 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang giúp người thân của liệt sĩ đến thăm viếng hoặc thăm viếng ngay tại gia đình thông qua cổng thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước cũng ban hành Quyết định tặng quà cho trên 1,5 triệu người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Năm 2023, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị quyết số 69 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75 ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được nâng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng và được thực hiện từ 1/7/2023, ngân sách đảm bảo là 33 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được công tác chăm sóc người có công vẫn còn khoảng trống khi mà hiện nay một số người có công vẫn còn khó khăn, vẫn còn một số người có công là thành viên hộ nghèo. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần những giải pháp gì để khắc phục?

- Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục.

Cuộc sống của một số người có công với cách mạng vẫn còn khó khăn, vẫn còn một số người có công chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính. Một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời… Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, chỉ đạo về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Mặt khác, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07 ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, do thiên tai, dịch bệnh nhiều nên vẫn còn một bộ phận người có công còn gặp khó khăn trong cuộc sống và là thành viên thuộc hộ nghèo.

Để người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, không còn người có công là thành viên thuộc hộ nghèo, trong thời gian tới các địa phương cần nỗ lực thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong công tác chăm sóc người có công; lồng ghép cùng chương trình mục tiêu quốc gia trong việc xóa hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời khơi dậy sự vươn lên của người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện chính sách ở địa phương nhằm giúp địa phương tổ chức thực hiện đúng việc công nhận và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, hạn chế trục lợi chính sách.

Từ năm 2020, toàn quốc đã hoàn thiện việc không còn người có công thuộc diện nghèo đối với trên 16.000 hộ. Đến nay, 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Từ năm 2017 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của cả nước đã tiếp nhận sự ủng hộ hơn 4.900 tỷ đồng, xây mới gần 36.500 căn nhà, sửa chữa gần 24.000 căn nhà với tổng số tiền gần 2.140 tỷ đồng, tặng 61.634 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 115 tỷ đồng; cả nước có 3.736 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.

Lan Hương (thực hiện)