Ai quản lý 'nguồn lợi' vỉa hè?
Xuất phát từ thực tế hệ thống bến bãi đỗ xe của thành phố hiện mới đạt khoảng 20% quy hoạch, trong khi quỹ đất để xây mới cũng cạn kiệt; UBND TPHCM đang dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm hạn chế tình trạng này.
Loay hoay quản lý vỉa hè
Là người thường xuyên đưa bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM), anh Nguyễn Văn Chung (37 tuổi, tài xế taxi) cho biết, rất khó khăn để tìm một nơi đậu xe tạm thời trong lúc chờ khách thăm khám. Lý do phần vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều (quận 5) xung quanh BV này đều dựng rào chắn làm bãi giữ xe. Cực chẳng đã, anh Chung phải di chuyển về hướng quận 6 cách BV này khoảng 1km mới có thể tìm được một nơi đậu đỗ xe.
Cách BV Chợ Rẫy không xa, phần vỉa hè dành cho người đi bộ trên đường Lý Thường Kiệt ngay trước cổng BV Hùng Vương (quận 5) cũng được hàng rào sắt vây kín mép vỉa hè làm bãi giữ xe, chiếm hoàn toàn hành lang của người đi bộ. Các bệnh nhân, người nhà đến BV buộc phải di chuyển dưới lòng đường, gây tình trạng mất an toàn giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Xuân Minh (71 tuổi, cán bộ hưu trí quận Phú Nhuận) phàn nàn, “đặc sản” chiếm dụng lòng đường, vỉa hè tại địa phương này là các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn về đêm. Nhiều khu vực, quán xá, thực khách ngồi tràn ra đường nhưng chỉ định kỳ mới thấy lực lượng trật tự đô thị đến nhắc nhở, xử lý.
Về thực trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi đậu đỗ xe hoặc kinh doanh quán ăn, nhà hàng sai quy định, nhiều quận, huyện đều biết nhưng khó tìm giải pháp phù hợp. Đơn cử, xung quanh BV Chợ Rẫy và BV Hùng Vương, đại diện UBND phường 12 (quận 5) nhiều lần cho biết, việc tồn tại các bãi giữ xe trưng dụng vỉa hè tại các BV này chỉ được cấp phép tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu thăm khám chữa bệnh cấp thiết của người dân. Và, cứ sau mỗi 3 tháng, phường này cấp phép lại theo quy định. Còn theo một cán bộ Quản lý trật tự đô thị tại khu vực, việc để tồn tại các bãi trông giữ xe tự phát là bất đắc dĩ, bản thân địa phương cũng nhận thức các vấn đề về mất an toàn trật tự lòng lề đường, nhất là bất cập về không gian vỉa hè cho người đi bộ, thế nhưng cũng không còn cách nào khác tốt hơn.
Theo ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND quận 1, hiện thành phố đang lấy ý kiến của các ban, ngành và người dân để sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định 74 (năm 2008) về quản lý, sử dụng vỉa hè. Khi quyết định mới được thay thế thì một số vỉa hè, lòng đường sẽ được cho phép đậu xe hoặc sử dụng vào những mục đích khác ngoài mục đích giao thông và có thu phí. Riêng quận 1 cũng đang nghiên cứu bố trí, sắp xếp lại một số tuyến đường trên địa bàn để nhằm sử dụng vào một số mục đích ngoài giao thông.
Tăng trách nhiệm đối với cơ sở
Đóng góp ý kiến phản biện đối với Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại TPHCM đang được UBND TPHCM lấy ý kiến, bà Nguyễn Thị Minh Sáu - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3 (phường 17, quận Bình Thạnh) tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn tại khu phố mình, cho rằng, nếu tận dụng hợp lý vỉa hè để vừa thu phí, vừa đảm bảo không gian phù hợp cho người đi bộ thì không những TPHCM giải quyết triệt để được tình trạng chiếm dụng tự phát mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo bà Sáu, cả thành phố hiện có khoảng 12 triệu m2 vỉa hè và nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường kể trên, với giá 100.000 đồng/tháng/m2 thì toàn thành phố có thể thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Dù vậy, thành phố cần nghiên cứu giải pháp thận trọng, kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích giữa các bên.
Còn theo ông Võ Hoài Thu - Phó ban Dân chủ Pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, một số quận đã triển khai khá hiệu quả việc thu phí tạm thời vỉa hè. Do đó, nếu mở rộng việc thu phí tại nhiều quận, huyện thì chỉ nên tính toán thu phí vỉa hè tại những tuyến đường có thể sử dụng, khai thác. Ông Thu cũng chỉ ra việc, do không có quy định chặt chẽ, đồng bộ nên nhiều năm qua tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn tái diễn, thậm chí còn có tình trạng bảo kê vỉa hè gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, người dân thành phố đặt rất nhiều niềm tin vào vai trò giám sát của MTTQ thành phố khi hiện nay UBND thành phố đã giao nhiệm vụ này cho MTTQ, trước mắt là phản biện xã hội đối với Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đang trong quá trình dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân. Theo ông Ninh, dù chưa có một đề án bài bản nhưng Chủ tịch UBND TPHCM mới đây đã rất quyết liệt chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương để xảy ra hành vi vi phạm trong sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông.
“Do đó, tôi nghĩ đề án nên mạnh dạn giao tự chủ kèm theo trách nhiệm quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường cho UBND cấp phường, xã, quận, huyện. Nơi nào xảy ra tình trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép sẽ xử lý theo chế tài vừa đảm bảo nghiêm minh, vừa giải quyết dứt điểm được nạn lấn chiếm lâu nay” – ông Ninh đề xuất.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, Sở GTVT sẽ tiếp tục bổ sung các quy định quản lý lòng đường, vỉa hè để làm rõ nội dung dự thảo, từ đó tham mưu hiệu quả cho UBND TPHCM. Cũng theo ông Lâm, trước khi TPHCM xây dựng đề án, Sở GTVT TPHCM cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và mô hình thu phí vỉa hè của một số thành phố lớn trong và ngoài nước để có sự cân nhắc thực tế. Bởi vì, đây không đơn thuần là bài toán giao thông mà còn tạo thêm nguồn thu ngân sách cho đô thị lớn nhất nước hiện nay.